Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2013

Đồng bào Tây nguyên chào cờ sáng thứ Hai, nguy hiểm quá!

VTV1 vừa đưa tin tối nay (17/11/2013) rằng đồng bào một số xã ở Kontum được vận động tập trung chào cờ vào sáng thứ hai hàng tuần.
Mấy ông làm tuyên huấn có vẻ như cho đây là một “thành tích”, đáng nêu gương. Không tốt, không tốt nếu như làm thái quá như thế!
Phải nói cái phong trào chào cờ buổi sáng chỉ là sáng kiến rởm của bọn duy tâm. Hy vọng qua đấy mà tăng cường tinh thần yêu nước, sự trách nhiệm đối với cộng đồng, lòng trung thành với thể chế chính trị v.v…
Không! Lòng yêu nước như Lênin nói, là tình cảm tự nhiên của con người, mặc dù nó bị chi phối bởi các lập trường chính trị khác nhau. Người thống trị yêu nước một cách, người bị trị yêu nước cách khác. Người thống trị yêu nước nhưng cũng có thể nhượng một phần lãnh thổ của mình cho nước khác, vấn đề là giữ được vị thế thống trị của mình. Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống, Nguyễn Ánh là các thí dụ mà sử sách đã ghi chép. Thời sau này có khi cũng có nhưng trẻ em chưa được học!
Người bị trị sao mà bán nước được? Họ hoặc là bó tay thấy kẻ thù hùng bạo cai trị. Nó mạnh quá thì đánh đẩm gì? Hoặc liều thân để giữ mảnh đất quê cha đất tổ hoặc quá uất ức khi kẻ ngoại bang giết hại người thân của mình.
Đấy là lúc có họa ngoại xâm!
Còn ngày thường ư? Người dân sẽ yêu triều đại (bây giờ là thể chế chính trị) thông qua những gì mà thể chế mang lại cho họ, thông qua sự hy sinh tận tụy của quan lại (thời xưa) và quan chức (thời nay). Sự tuyên truyền chỉ là thừa, lãng phí tiền của của Nhà nước (cũng là tiền thuế do đóng góp của người dân) nếu như không có 2 nội dung cốt tử trên: cải thiện đời sống của dân chúng và sự gương mẫu của quan chức, công chức.
Những người làm công tác quản lý chắc biết thừa điều này. Nhưng nó có vẻ trái với “lợi ích nhóm”, “lợi ích đẳng cấp” của chính họ. Vì vậy họ tiếp tục tuyên truyền một cách trơ tráo, mất tiền của của nhân dân theo kiểu “tay người vỗ đá”.

Nhưng người lao động, kể cả lao động chân tay lẫn lao động trí óc  làm được gì  trong tình cảnh này?