Vài năm qua, nghe giọng Việt kiều om sòm trên mạng mình thử
đóng vai công an văn hóa xem có hiểu hội
này được chút nào không.
Đầu tiên phải nghe vùng Đông Âu. Khu vực này khá im lặng điềm
tĩnh. Điều này cũng dễ hiểu vì đây là khu vực chỉ có cán bộ sứ quán; lưu học
sinh sang học tập, nghiên cứu rồi ở lại; công nhân Việt Nam sang lao động
rồi ở lại, sinh sống bằng nghề kinh doanh hàng tiêu dùng là chính. Vì thế sự phức
tạp về tư tưởng ở đây không đáng kể. Cùng lắm lo làm ăn, lừa gạt trấn lột lẫn
nhau là xấu tột đỉnh rồi. Ít chuyện về chính trị.
Khu vực Tây Âu xem ra chỉ có điểm nóng ở Pháp. Anh, Tây Đức
có Việt kiều cũng chỉ chân chì hạt bột, lo lao động kiếm tiền, chẳng quan tâm lắm
đến chính trị chính em nên không tham gia vào các cuộc đôi co, chửi rủa về lập
trường tư tưởng này nọ. Người Việt ở Pháp liên quan đến đời sống chính trị đất
Việt nhiều hơn. Sự phê phán, chỉ trích quan điểm đường lối chính trị của Đảng
và nhà nước Việt Nam mang tính gốc
rễ. Bởi ông Hồ Chí Minh hoạt động chính trị mạnh nhất trong thời gian ở Pháp,
liên quan đến Pháp, để lại dấu vết nhiều nhất và nếu có điều không trùng khớp
giữa tự chuyện về đời hoạt động của ông với nhân chứng, hồ sơ mật thám thì cũng
nổi lên ở đây. Và nó không phải là nhỏ. Nhưng sự chỉ trích ở đây xem ra văn hóa
nhất, lịch sự nhất. Ngoại trừ hoạt động của nhà văn Dương Thu Hương sau khi ra
tù (?) thì quyết liệt, gắt gỏng và ai
cũng nhận thấy giọng hận thù của bà.
Nghe giọng hận thù thì khó lọt tai, nhưng ai bị trừng phạt
cũng thù hận thôi. Người nào bị đầy đọa mà không thù thì người ấy đã ngang tầm
tiên Phật. Ta bị công an giao thông phạt khi đã mắc lỗi, ta cũng còn khó chịu,
chửi thầm nữa là. Khi đã trưởng thành, ta bị đứa nào tát vào mặt một cái, mắng
cho một câu nặng lời… ta cũng hận người ta cho đến hết đời, cho dù ta chẳng nói
ra. Bố tôi mấy ngày trước khi qua đời,
đang khỏe mạnh và nói chuyện vui vẻ về đường đi, địa hình địa vật Lào Cai, Yên
Bái, Đại Từ (Thái Nguyên) trong những năm 60, đột nhiên ông bảo có người hồi ấy
gài bẫy ông, rồi ngay lập tức ông chuyển qua chuyện khác. Tôi kinh hoàng nhận
ra rằng té ra trong đời bố mình cũng có hận ai đấy, mà hận đến nửa thế kỷ vợ
con không biết, người ngoài cũng không biết. Mà chẳng biết vụ ấy có trầm trọng
lắm không. Ông đã mang nó xuống mồ rồi.
Bây giờ bảo những người chịu cải tạo sau 75 trong các trại
chừng 5, 7 năm, thậm chí mười năm rằng phải vì dân tộc, phải hòa hợp dưới sự
lãnh đạo, sự cai quản của chúng tôi. Nói thế mà cũng nghe được ư?
Ta chỉ vào mặt họ mắng là tay sai, là phản quốc, ta vênh
vang tự đắc chính nghĩa, chiến thắng, nhân đạo và bảo họ- những người từng chịu
tù đầy bởi ta và đã thoát kiếp tù đầy- rằng họ phải quay đầu về với chính
nghĩa. Nó thế mà nghe được a?
Ta đọc một sách, nghe một thầy, nửa ngọng nửa sõi thuyết
trình với những kẻ chữ nghĩa đầy đầu, kim cổ đông tây đọc trực tiếp, viết ra cả
đống sách. Thế mà bảo người ta quy phục ư? Nếu người ta quy phục chính nghĩa của
cách mạng, người ta đã chẳng vượt biên, treo mạng sống của mình trước mũi súng
công an, biên phòng, trước mã tấu hải tặc, trước cá mập biển cả với bão giông.
Thế mà cũng gọi là cống hiến cho tuyên huấn, cho giáo dục chính trị a? Phá hoại đất nước thì có!
Chủ đề chính trị xã hội sôi sục hơn cả trong cộng đồng người
Việt sống ở Hoa Kỳ. Ở Úc nhiệt độ có hạ hơn. Điều đó thật dễ hiểu. Số người Việt
tham gia vào chính quyền, vào QLVNCH di tản sang Mỹ chắc là nhiều nhất. Họ
không cay cú mới là lạ. Mấy chàng Hồng vệ
binh cứ bảo ông Nguyễn Cao Kỳ còn về nước ôn hòa được, sao những người khác cứ phải
hận thù, cay cú. Ôi giời, mấy chàng Hồng vệ binh chẳng lẽ lại không biết ông
Nguyễn Cao Kỳ không bị chính quyền cách mạng cải tạo, giam cầm ư? Ví thử ông ấy
bị các Hồng vệ binh như Quản giáo, Thiếu Long… mà lên lớp dạy dỗ thì ông ấy còn
hòa hợp được không?
Có mấy Việt kiều trí thức tại Mỹ tôi đặc biệt kính trọng. Đấy
là các ông Chalie Nguyễn (luật sư Bùi Văn Chấn), giáo sư Trần Chung Ngọc. Trong
các sách của Chalie Nguyễn, Trần Chung Ngọc tôi không thấy có bất kỳ chỗ nào
các ông ấy oán trách, xỉa xói Đảng và Nhà nước VN cả (hay tôi kém cảnh giác?).
Chalie Nguyễn cũng viết: “Người Cộng Sản bỏ tù và hành
hạ thân xác tôi gần mười năm, tuy tôi không ưa chủ nghĩa độc tài Cộng Sản nhưng
tôi không cảm thấy căm thù họ. . Trái lại, đạo
Công Giáo chẳng làm gì tôi nhưng tôi ước mong lương tri và lương tâm nhân loại
hãy vì sự an lạc và hạnh phúc của con người mà trừ tiệt nó trên toàn thể thế giới
sớm ngày nào hay ngày ấy. Đó là nguyện vọng tha thiết nhất suốt cả đời tôi. Tôi
luôn luôn sẵn sàng hy sinh để chống lại tà đạo Công Giáo La Mã”.
Tuyên bố những điều này giữa đông đảo các giáo dân Công giáo
xung quanh, giữa không khí thù hằn với chế độ VN CS, trong xã hội có thể báo
thù đầu rơi máu chảy như xã hội Mỹ (ít ra như trong các phim của người Mỹ tôi
thường xem, trong các chương chính chính trị xã hội ở nước Mỹ mà tôi thường đọc,
thường nghe) thì có lẽ khó tìm thấy ở VN kiểu người như thế.
Tôi nghĩ ông Chalie Nguyễn đã đạt đạo!
Trong một số bài viết của GS Trần Chung Ngọc tôi cũng thấy
được tinh thần này. Chỉ có điều ông Chalie Nguyễn đã qua đời 8 năm, và nói chuyện
tốt đẹp về người đã khuất ta thấy nó dễ hơn về người còn sống, đặc biệt dễ hơn
về người lãnh đạo của mình.
Có những người nói điều tốt đẹp của thủ trưởng, của lãnh đạo,
của chế độ trơn như bôi mỡ, đặc biệt là nói trước mặt. Tôi thật sự sợ họ. Tôi
cũng sợ những người học kém mà khéo léo ứng xử với thầy, với những người xung
quanh. Họ thành đạt nhanh và rất lớn tiếng trong cộng đồng. Thậm chí họ còn chỉ
đạo các thầy, các trò phải học hành, dạy dỗ ra sao nữa. Tôi cũng không sợ những
người thông minh, những người có nhân cách. Tôi chỉ sợ quân đê tiện, bọn cơ hội:
gió chiều nào che chiều ấy, còn chức còn quyền thì ngợi ca chế độ. Hết chức hết
quyền thì phê phán hệ tư tưởng, chê bỏ đường hướng lãnh đạo, phê phán tệ hối lộ
tham nhũng v.v… Cứ làm như trước đây mình tử tế, mình trong sạch, đúng đắn lắm!
Đấy, nhóm Việt kiều
tôi đánh giá cao nhất là như thế: kể kả bị cải tạo giam cầm vẫn không hề
oán thoán chế độ CSVN. Luôn luôn sợ đồng bào bị phân ly chia rẽ, làm mọi việc để
quê hương sứ xở giàu đẹp hơn, văn minh hơn.
Nhóm thứ hai là những người nỗ lực làm khoa học: tự nhiên, kỹ
thuật cũng như xã hội, nhân văn, hoặc những nhà kinh doanh đóng góp nhiều cho
việc xây dựng quê hương, đất nước. Một số nhà nghiên cứu thuộc tộc An Việt tự
quảng bá là khách quan, trung lập nhưng thỉnh thoảng vẫn không kìm được, gầm
lên chế độ CS tàn bạo. Họ cũng làm sáng tỏ nhiều nét văn hóa của người Việt mà
giới nghiên cứu trong nước do thao tác nghiên cứu giống nhau đã đưa ra kết quả
“same same” nhau, đơn điệu, nghèo nàn.
Nhóm thứ ba là các bạn “tuyên huấn không ăn lương” như kiểu
Thiếu Long Texas. Hăng hái nhiệt tình đáng quý, chỉ tội phiến diện chủ quan.
Tôi cũng băn khoăn không rõ gia thế Thiếu Long như thế nào. Lấy tiền đâu mà
sang Mỹ hơn mười năm trước. Bọn chúng tôi học ở Đông Âu thì đơn giản: thi được
điểm cao hoặc học đại học kết quả cao, thế là tự nhiên thấy có danh sách đi
thôi. Nhà nước đài thọ mà. Hình như tất cả các cựu sinh viên Đông Âu tôi biết
không ai đại ngôn lòng yêu nước với lòng tự hào dân tộc… kiểu như Quản giáo,
Thiếu Long cả.
Thiếu Long kiếm được suất học bổng trên mạng hay đi học bằng
tiền của gia đình? Hay có suất sang Mỹ đặc biệt nào đó? không biết được. Nếu
như gia đình Thiếu Long kinh doanh thì tiền do làm ăn buôn bán mà có. Còn gia
đình Thiếu Long là cán bộ công chức mà có tiền cho con sang “sinh sống” bên Mỹ
hơn chục năm rồi thì cũng đáng nghi vấn lắm. chúng ta đều biết rằng “lương” của
công- viên chức Việt Nam
cùng lắm là đủ sống, ăn no thôi (người ta hay bảo lương không đủ sống mà). Trước
đây hơn mười năm nếu ai có chỗ làm thu nhập cao cũng chỉ mua được xe máy “đã
qua sử dụng”. Các cán bộ đến khi nghỉ hưu còn chưa biết đi xe máy. Còn đồng nào
thì tu bổ nhà cửa, không dám xe xiếc gì. Thế mà Thiếu Long có tiền sang Mỹ!
Cơ quan tôi cũng có một số vị “đầu mấu” cho con sang Mỹ học.
Cán bộ lý luận Mác-Lênin đưa con sang Mỹ
chắc để xem tên đế quốc đầu sỏ nó giãy chết thế nào quá! Còn bố mẹ thì phải
giương cao ngọn cờ “định hướng XHCN” chứ. Cái tiền cho con sang Mỹ không phải từ
“lương” mà từ “lậu”. Và nếu như từ “lậu” mà có nhiều tiền như thế thì khó nói
được “lập trường, tư tưởng” lắm. Đấy là nói người có liêm sỉ thôi, còn chúng
tôi biết rõ có những tay tư duy rất thường, nhân cách rất kém trong cơ quan lại
là “chuyên gia” giảng về tư tưởng với đạo đức HCM lắm.
Nhóm thứ tư là các ông có thù hận với chính quyền CSVN mà
không báo hận được. Tất nhiên như tôi đã nói ở trên. Lòng thù hận nảy sinh khó
cưỡng nếu như ta đang sống thuộc đẳng cấp trung lưu mà bị tù đầy, bị quản thúc,
bị mắng mỏ, chịu đói khát, rét mướt. Chỉ có điều xin các vị hãy lưu tâm giùm:
chúng tôi, những “người chiến thắng” khi ấy cũng rất đói. Các vị cứ đọc những kỷ
niệm đời lính trong LsqsVN thì rõ. Gia đình chúng tôi còn đói hơn nữa kia. Các
vị trong trại cải tạo không đói thì lạ quá! Tôi không biết khi ấy có ai được no
ăn hàng ngày không? có ai được ăn thịt cá đều đặn không?
Khối lưu học sinh
chúng tôi được ăn 13kg lương thực (tất nhiên là không đủ, độn đủ thứ bo bo, hoặc
mì, hoặc ngô). Trong nhà ăn của Trường Đại học Ngoại ngữ khi ấy có bán nước
dưa, giá 5 hào/bát (năm 1982). Có tiền mua nước dưa cho cả mâm mỗi người một
hai thìa là tay chơi hào phóng đáng ngưỡng mộ rồi. Các ông bị tù mà được ăn
ngon thì có mà trời sập!
Cho nên các vị đang chịu cải tạo bới chính quyền CS kêu ca,
thù hận cũng dễ hiểu. Nhưng nó cũng chứng tỏ tâm vẫn còn nằm giữa đống sân si
chống chất thôi.