Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

CHỈ THẤY CÂY KHÔNG THẤY RỪNG VÀ CHỈ THẤY RỪNG KHÔNG THẤY CÂY

Người ta hay chê các nhà siêu hình là kẻ chỉ thấy cây mà không thấy rừng. Không thấy mấy ai chê những người chỉ thấy rừng mà không thấy cây! Trong khi những người này không ít và nhược điểm cũng không nhỏ.
Có thể nói đó chính là các cán bộ tuyên truyền, các nhà văn nhà thơ cách mạng một thời ở nước ta, đứng đấu là nhà thơ Tố Hữu. Nhà thơ Tố Hữu quả thật là con chim ca hát những bài cách mạng hay nhất, thúc giục lòng người mạnh nhất, ca ngợi chế độ đẹp nhất. Đấy là cái lúc mà ông ở trên cao, có hàng nghìn kẻ quỵ lụy ông. Đến khi không còn “trên voi” nữa, mới chỉ “xuống la” (not “xuống chó” nhé) ông đã có nhiều hậm hực. Đây mới chỉ nghe, đọc nhận định của một số nhà nghiên cứu, vài nhà văn thôi, không chính thức nhưng mà lôgíc.
Các nhà quân sự, các chính khách, các nghệ sĩ tuyên huấn cố gắng tạo nên những dòng thác người chảy theo chiều này, chiều kia. Nhưng họ coi con người cũng chỉ như quân cờ thôi. Mục đích và ý chí của họ mới là quan trọng. Nếu có nhìn thấy sự đau đớn, chết chóc của người khác, họ cũng chỉ mủi lòng thoáng chút và vẫn tiếp tục dấn quân vào, dù cho đó có là cái cối xay thịt!
Nhìn rừng không thấy cây giống như kiểu bay lượn trên không trung, chỉ  thấy bên dưới là một mầu xanh nhấp nhô, không biết rằng nhiều nhiều cây trong rừng đang bị sâu đục khoét, bị bệnh làm cho cỗi cằn… đang dần dần bị loại ra khỏi cuộc sống. Chỉ khi nào thấy từng mảng rừng bị tàn úa, có khi đã trụi lá thì họ mới hay biết. Nhưng hỡi ơi, khi đó muộn mất rồi.
Những người chăm chút cây rừng thì tiếng nói của họ không phát qua khỏi lùm cây. Chẳng ai thèm nghe họ. Các nghệ sĩ lo lắng, thương xót cho số phận con người cũng thế, tác phẩm của họ không được in, không được truyền bá. Bản thân họ cũng không thể có tiếng nói trong cộng đồng. Cuối cùng, cái cộng đồng mà từng thành viên trong đó không được quan tâm đúng cách, mỗi ngày một hư nát, bệnh hoại.

Thấy cây không thấy rừng thì không tìm ra được cái chung, cái phổ quát. Nhưng thấy rừng mà không thấy cây, về mặt xã hội, là một cái nhìn thiếu nhân bản, nhân văn!

Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

“CHỬI HỌC” NGÀY NAY SIÊU QUÁ!

Những tưởng thời chiến tranh qua đi, kiểu chửi mách qué của chú bé Trần Đăng Khoa mà chính mình hồi nhỏ cũng sướng:
… “Ngu xuẩn nhất nhì
Là thằng Tổng Ních”…
sẽ không còn lặp lại nữa.
Nào ngờ lại một chặp, đọc bài của cặp “chửi học” Trần Mạnh Hảo- Trần Nghi Hoàng, mình kinh ngạc nhận thấy văn hóa chửi của người Việt không những không bị thuyên giảm theo trình độ học vấn của đất nước ngày thêm cải thiện mà cũng “phát triển” song hành.
Đến nay thì nó còn “rực rỡ” hơn rất nhiều bởi các tay “chửi học đời mới” như Hòa Bình (anhtuanwc2007.blogspot.com), Thanh Tung Nguyen (thieulongtexas ?). Họ họa thơ, nhái thơ rất tài nhưng chửi bới thì khủng khiếp. Chưa thấy ai học hành mà lại chửi bới ghê sợ như thế. Những thế hệ lớn tuổi quả thật không thể lường trước được. Ôi trời!