Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

Từ hải ngoại người ta bàn chuyện giàn khoan

Chuyện ta với Tàu, nghe thiên hạ nó nói gì?

Nguyễn Lễ - Nước cờ hiểm của TQ với giàn khoan





Các đợt xuống đường của người dân Việt Nam có thổi bay cái giàn khoan của Trung Quốc khỏi Biển Đông?
Câu trả lời, nhiều khả năng, là ‘Không’.
Ít nhất những diễn biến trên thực địa cùng với những tuyên bố cứng rắn cho đến giờ cho thấy Trung Quốc quyết không lùi một bước.
Tôi không rành về khai thác dầu khí nhưng theo l‎ý mà suy thì chừng nào xong việc mới rút giàn khoan chứ làm sao biết được sẽ rút ngày nào?
Nhưng nếu Bắc Kinh không công bố trước thời hạn rút giàn khoan thì bất cứ lúc nào họ rút đi cũng sẽ bị cho là chịu thua sức ép của Việt Nam.
Đưa giàn khoan ra Biển Đông, Bắc Kinh muốn quyết tâm khẳng định với thế giới rằng vùng biển xung quanh đó thuộc chủ quyền của họ.
Nhưng tại sao họ lại ra tay vào lúc này? Giàn khoan Hải Dương 981 là cách mà họ thách thức cam kết ‘xoay trục’ mà Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa khẳng định với các đồng minh.
Obama vừa mới lên tiếng Senkaku nằm trong phạm vi hiệp ước an ninh với Nhật và Manila cũng vừa k‎ý với Mỹ Hiệp ước tăng cường liên minh quân sự. Kiếm chuyện với Tokyo hay Manila khi Obama vừa rời đi thì quá 'bựa'.
Để thách thức Mỹ nhưng vẫn tránh đối đầu trực diện, Bắc Kinh chọn mục tiêu mềm hơn là Hà Nội.
Nước cờ chắc ăn
Với lại khi có hành động mà Bắc Kinh biết rằng sẽ bị thách thức dữ dội thì họ phải chọn nước cờ chắc ăn nhất.
Họ không chọn vùng biển xung quanh các đảo mà họ đang nắm giữ ở Trường Sa hoặc một vị trí nào khác trong Biển Đông mà họ biết sẽ rủi ro hơn rất nhiều.
Quần đảo Hoàng Sa chỉ có tranh chấp với Việt Nam, trong khi Trung Quốc còn không thừa nhận là có tranh chấp và lâu nay vẫn cự tuyệt mọi đề xuất đàm phán của Hà Nội.
Về mặt thực tế, ‘Tây Sa’ đã nằm hoàn toàn trong tay Trung Quốc và cách nay không lâu họ còn gióng trống mở cờ thành lập thành phố ‘Tam Sa’ đóng trên quần đảo này.

Tổng thống Mỹ Obama vừa cam kết với các đồng minh châu Á về chính sách 'xoay trục'
Về mặt pháp lý, họ có ‘bửu bối’ là công hàm Phạm Văn Đồng mà nếu Hà Nội có cãi lý thì họ sẽ dùng để đập lại.
Họ kiểm soát, họ không thừa nhận có tranh chấp, họ có bằng chứng Hà Nội ‘công nhận chủ quyền’, rõ ràng Bắc Kinh rất tự tin với ‘chủ quyền Tây Sa’ nên họ mới đưa giàn khoan ra đây.
Nếu Việt Nam có nói là giàn khoan nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình thì Trung Quốc sẽ cãi rằng giàn khoan này nằm cách ‘Tây Sa, lãnh thổ của họ’ chỉ 17 hải lý trong khi cách bờ biển Việt Nam đến 150 hải lý.
Trên thực tế đó là kịch bản mà báo chí và các quan chức Trung Quốc đã nói trong những ngày qua.
Một khi có bước đi liều lĩnh như thế chắc chắn Bắc Kinh đã tính toán hết mọi rủi ro mới dám thực hiện.
Nhìn vào động tĩnh của Trung Quốc trong những ngày qua thì sẽ thấy họ theo dõi chặt chẽ phản ứng của Việt Nam, của khối Asean và của Mỹ.
Ngay cả khi phản ứng chính thức của Mỹ chỉ dừng ở mức ‘quan ngại’ và chỉ trích Trung Quốc ‘gia tăng căng thẳng’ thì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phủ đầu với tuyên bố ở Thượng Hải rằng ‘các thế lực bên ngoài không được can thiệp’ và ‘chống lập liên minh quân sự nhằm vào bên thứ ba’.
Còn với Asean, mặc dù còn không nêu tên Trung Quốc mà chỉ bày tỏ ‘quan ngại’ nhưng Trung Quốc đã rất nhanh chóng lấy quan hệ chung để nhắc nhở Asean không được dính vào tranh chấp riêng và cảnh báo Hà Nội về việc ‘lôi kéo’ Asean.
Làm chủ tình hình
Phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam chắc chắn cũng đã nằm trong dự liệu của Trung Quốc.

Các lãnh đạo Asean không muốn mất lòng Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông
Mỹ can thiệp, Asean dính líu và Việt Nam ngả về phía Mỹ là ba nỗi sợ của Bắc Kinh khi đưa giàn khoan HD-981 ra Biển Đông.
Về phía Mỹ thì Bắc Kinh biết rõ vào lúc này Washington không thể làm được gì nhiều để giúp Hà Nội ngoài hỗ trợ tinh thần.
Về phía Asean thì Bắc Kinh biết rằng với tư cách là đối tác thương mại lớn nhất của khối, các nước Asean sẽ hết sức thận trọng để tránh làm tổn thương quan hệ với Trung Quốc.
Về phía Việt Nam, với quan hệ khắng khít giữa hai Đảng Cộng sản trong những năm qua, Bắc Kinh chắc hẳn nắm rõ suy nghĩ của Hà Nội.
Điều Bắc Kinh sợ nhất là Hà Nội ngả về phía Washington để họ thêm một mối họa ở phía Nam, nhưng một khi họ đã đưa giàn khoan ra thì có nghĩa họ tin rằng Hà Nội dù có bị o ép thế nào đi nữa thì cũng không tìm kiếm liên minh với Mỹ
Chỉ có điều với hành động này thì họ đã hủy hoại quan hệ với Việt Nam. Việt Nam sẽ không còn là ‘láng giềng thân thiện’ với Trung Quốc được nữa. Tuy nhiên, vì mục đích lớn ở Biển Đông, Bắc Kinh sẵn sàng hy sinh.
Trong cái mục đích lớn đó, đảo thì họ đã nắm được một phần nhưng đường lưỡi bò thì đây mới là bước đi quan trọng đầu tiên để hiện thực hóa.
Nếu như Trung Quốc lùi trước sức ép của Việt Nam thì trước mắt người dân trong nước chính quyền là hèn nhát không đủ sức bảo vệ chủ quyền, trước dư luận quốc tế lập luận chủ quyền của họ không vững và nhất là đường lưỡi bò mới tiến được một bước đã phải lùi thì sau này sẽ vô vàn khó khăn.
Biển Đông là cánh cửa để Trung Quốc bành trướng ra ngoài và là chìa khóa để làm bá chủ ở Đông Á nhất là khi họ đã bị chặn bởi các nước lớn khác ở các hướng bắc, đông và tây nam.

Trung Quốc đang muốn biến đường lưỡi bò trên bản đồ thành sự thật
Chậm mà chắc
Năm 1947, đường lưỡi bò lần đầu tiên xuất hiện trên bản đồ Trung Hoa.
Lúc đó, người Trung Quốc còn chưa có gì trên Biển Đông. Gần 70 năm sau, họ đã có ‘thành phố Tam Sa’ – tức là đã có chỗ đứng vững chắc để từ đó vươn ra Biển Đông.
Ai dám chắc sau 70 năm hoặc 100 năm nữa toàn bộ Biển Đông không trở thành ao nhà của Trung Quốc?
Từ chỗ không có gì đến có được như thế phải thấy tầm nhìn và sự khôn ngoan của Trung Quốc trên Biển Đông: họ xác định đó là công việc lâu dài, tiến dần từng bước một, tranh thủ thời cơ, sẵn sàng dùng vũ lực, sức mạnh đến đâu hiện thực chủ quyền đến đó.
Mặc dù có yêu sách đường chín đoạn từ rất lâu nhưng phải đến tận năm 2009 họ mới chính thức trình ra quốc tế. Chứng tỏ Bắc Kinh giỏi giấu mình chờ thời cơ đến mức nào.
Tuy nhiên điều này cũng cho thấy sự không trong sáng trong đòi hỏi chủ quyền của họ. Nếu có chủ quyền thật sự thì cần gì đợi thời cơ mới đưa ra?
Và cái cách mà họ vẽ đường chín đoạn trong tất cả các bản đồ của họ hiện nay, mặc dù chỉ là chủ quyền trên giấy, là nhằm in sâu vào tâm trí mọi người để rồi đến lúc ai cũng mặc nhiên thừa nhận ‘chủ quyền không thể chối cãi’ của Trung Quốc.
Họ cũng rất biết lợi dụng tình hình khi tranh thủ tối đa những lúc Việt Nam rối ren hay gặp tình hình quốc tế bất lợi để ra tay chiếm đảo.

Chính phủ Bắc Việt đã quá tin tưởng vào Trung Quốc?
Với một đất nước đã quen với ván cờ quyền lực và đấu tranh chính trị trong hàng ngàn năm thì Việt Nam không phải là đối thủ của họ trong cuộc đấu trí trên Biển Đông.
Họ có tầm nhìn cả trăm năm, có chiến lược thực hiện rõ ràng và nhất là luôn ở thế tấn công trong khi Việt Nam nằm ở thế bị động chống đỡ các bước đi của họ.
Trước phía nhiều mưu chước như Trung Quốc, Việt Nam chẳng khác nào một đứa trẻ ngây ngô liên tục bị gài bẫy.
Cái bẫy lớn nhất chính là công hàm năm 1958 công nhận Tuyên bố về lãnh hải của Trung Quốc mà trong Tuyên bố này có khẳng định chủ quyền đối với ‘Tây Sa’ và ‘Nam Sa’.
Bắc Việt lúc đó chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt là sự giúp đỡ của Trung Quốc chứ không lường được cái hại sau này trong khi Trung Quốc mưu tính chuyện lâu dài về sau.
Công luận quốc tế không cần biết ông Đồng suy nghĩ thế nào hay bối cảnh ra sao khi k‎y cái công hàm đó. Chỉ biết giấy trắng mực đen rành rành Việt Nam công nhận chủ quyền của Trung Quốc.

Việt Nam đang chứng kiến các cuộc biểu tình chống Trung Quốc lớn chưa từng thấy
Đành rằng ông Đồng không thể đem cho cái mà Chính phủ của ông không có, nhưng ông có thể thừa nhận quyền sở hữu của người khác đối với tài sản mà ông không có đó.
Và khi đã thừa nhận của người khác thì bây giờ sao lại nói ngược là của mình được?
Rõ ràng Việt Nam tin vào tình đồng chí còn Trung Quốc đã lợi dụng tình đồng chí đó.
Quan hệ quốc tế luôn dựa trên nền tảng lợi ích quốc gia - không có chỗ cho ‘tinh thần quốc tế vô sản trong sáng’. Bắc Kinh đã không đổ xương máu cho Hà Nội nếu không có lợi ích của mình trong đó.
Bắc Việt đã quá ngây thơ khi tin tưởng người đồng chí phương Bắc hơn đồng bào của mình ở miền Nam. Họ đã để ‎y thức hệ chi phối chính sách ngoại giao của mình.
Chính vì ý thức hệ mà khi Việt Nam hụt hẫng sau khi Liên Xô sụp đổ đã bất chấp những kinh nghiệm đau thương trong quá khứ lại tìm đến Trung Quốc làm chỗ dựa. Và đất nước lại bị đặt trước miệng cọp.
Cũng vì ý thức hệ mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi sang thăm Trung Quốc đã chấp nhận lời khuyên lấy ‘đại cục’ làm trọng, tức là đặt lên trên tranh chấp.
Khi đưa giàn khoan ra Biển Đông, Bắc Kinh có nghĩ đến ‘đại cục’ không?

Các lãnh đạo Trung Quốc tin rằng Việt Nam sẽ không thoát khỏi 'đại cục' với họ?
Rõ ràng ‘đại cục’ đó không phải để ràng buộc Bắc Kinh mà là để Bắc Kinh ràng buộc Hà Nội.
Thậm chí khi Bắc Kinh đã phá vỡ cam kết của lãnh đạo hai Đảng thì Thường Vạn Toàn vẫn tự tin nhắc nhở Phùng Quang Thanh về ‘đại cục’.
Và cho đến giờ cũng chính y thức hệ đã khiến Việt Nam mắc kẹt trong ‘đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, không liên minh với ai’
Mạnh như Nhật mà còn cần hiệp ước an ninh với Mỹ, có vũ khí hạt nhân như Anh, Pháp vẫn cần Mỹ đồng minh trong khối Nato.
Trong khi đó, Việt Nam hiện nay vừa nhỏ yếu vừa bị đe dọa nghiêm trọng thì cứ nói là ‘độc lập, tự chủ’ mà thực ra chỉ thiệt cho mình mà thôi.
Thử cho Mỹ vào Cam Ranh xem? Bắc Kinh không sợ mới lạ.
Mỹ rất muốn nhưng Việt Nam ‘độc lập, tự chủ’ không làm được.
Chính vì thế Việt Nam mất đi một lá bài lợi hại trong cuộc đối đầu vốn dĩ không cân sức.

Chúng ta nói sao trước vụ công hàm Phạm Văn Đồng

Các nhà lãnh đạo, các nhà ngoại giao, cácchuyên gia luật  nước ta nói sao trước phản biện này nhỉ?

Học giả Trung Quốc phản biện những lập luận của Việt Nam về Công hàm Phạm Văn Đồng?

1. Luận điểm 1 của phía Việt Nam: Công hàm Phạm Văn Đồng chỉ thừa nhận chủ quyền 12 hải lí của Trung Quốc, mà không hề thừa nhận quần đảo Tây Sa và Nam Sa thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Bời vậy, về cơ bản, công hàm không đề cập đến vấn đề lãnh thổ, không đề cập đền quần đảo Tây Sa và Nam Sa.
Phản luận của Ngô: Đoạn thứ nhất trong “Tuyên bố lãnh hải”, mà chính phủ Trung Quốc đã công bố vào tháng 9 năm 1958, đã nói rất rõ rằng, phạm vi bao quát trong 12 hải lí của lãnh hải Trung Quốc là thích dụng cho tất cả lãnh thổ của Trung Quốc, trong đó, bao gồm cả quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa.
Công hàm Phạm Văn Đồng đã rất rõ ràng “ghi nhận và tán thành” với tuyên bố về lãnh hải của chính phủ Trung Quốc, thì trước hết chính là thừa nhận và tán thành chủ trương về lãnh thổ của Trung Quốc, bởi vì chủ trương về lãnh hải có gốc là chủ quyền lãnh thổ, lãnh thổ không tồn tại thì lãnh hải cũng không có căn cứ.
Công hàm Phạm Văn Đồng không đưa ra bất cứ quan điểm bất đồng hay ý kiến bảo lưu nào về Tuyên bố Lãnh hải của chính phủ Trung Quốc, thì theo lô-gich, là cho thấy chính phủ Việt nam tán thành với toàn bộ nội dung của Tuyên bố Lãnh hải do chính phủ Trung Quốc đưa ra, trong đó, có bao gồm cả chủ trương “quần đảo Tây Sa, quần đảo Nam Sa thuộc vào lãnh thổ Trung Quốc”
2. Luận điểm 2 của phía Việt Nam: Vào thập niên 1950, quan hệ giữa Trung Quốc và nước Mĩ là xấu, hạm đội 7 của hải quân Mĩ đóng giữ tại eo biển Đài Loan, uy hiếp sự an toàn của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố lãnh hải là để cảnh cáo nước Mĩ không được xâm phạm đến lãnh hải Trung Quốc. Công hàm Phạm Văn Đồng là nghĩa cử của chính phủ Việt Nam lên tiếng ủng hộ Trung Quốc dựa trên tình hữu nghị Việt – Trung tốt đẹp, ý nguyện đó không có liên quan đến lãnh thổ.
Phản luận của Ngô: Vào thời gian này, tình hữu nghị Việt – Trung tốt đẹp là sự thực, nước Mĩ lại là kẻ thù chung của hai nước Việt – Trung, Việt Nam lên tiếng ủng hộ Trung Quốc trên trường quốc tế chính là lí do tình cảm đó. Thế nhưng, trong vấn đề không thể hàm hồ là giao thiệp về chủ quyền lãnh thế như thế, cứ tự nói “ý nguyện” là thế này thế kia, để mà lật lại câu “ghi nhận và tán thành” rành rành trên giấy trắng mực đen, thì trong quan hệ quốc tế vốn trọng chứng cớ văn bản, sẽ không được người ta tin tưởng và công nhận đâu !
3. Luận điểm 3 của phía Việt Nam: Lúc đó, Việt Nam đang ở vào giai đoạn chiến tranh, Trung Quốc là nước viện trợ chính cho Việt Nam, để có được chiến thắng, Việt Nam không thể không thừa nhận Tuyên bố Lãnh hải của Trung Quốc.
Phản luận của Ngô: Cách biện luận này có ngầm ý sau: nếu không ở vào hoàn cảnh chiến tranh, nếu không cần sự viện trợ của Trung Quốc, thì Việt Nam sẽ không thừa nhận Tuyên bố Lãnh hải của Trung Quốc, không phát sinh (sự kiện) công hàm Phạm Văn Đồng. Thế nhưng, loại biện luận như thế này chỉ là miêu tả lại một sự thực đã xảy ra, không thể, dù một chút xíu, phủ định được hiệu lực của công hàm Phạm Văn Đồng.
Thêm nữa, không có bất cứ chứng cớ nào chứng minh việc Trung Quốc đã lợi dụng Việt Nam ở vào hoàn cảnh khó khăn đang cần sự giúp đỡ của Trung Quốc để dồn ép chính quyền Việt Nam phải nuốt bồ hòn làm ngọt mà thừa nhận chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Bản thân công hàm đã gửi cho chính phủ Trung Quốc và nội dung của nó cho thấy: tất cả đều là quyết định tự chủ tự nguyện của chính phủ Việt Nam.
Nói ngược lại, giả như ở vào thời điểm đó, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chủ trương rằng quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam, thì từ lập trường dân tộc chủ nghĩa vững chắc và nhất quán của người Việt Nam, chính phủ Phạm Văn Đồng sẽ không gửi công hàm đó cho Trung Quốc, hoặc chí ít thì trong công hàm sẽ bỏ quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa ra bên ngoài.
Lại thêm nữa, cộng với chứng cớ là việc trước năm 1975, trong nhiều trường hợp (nói chuyện giữa nhân viên ngoại giao với nhau, bản đồ, sách giáo khoa), Việt Nam đều chủ trương rằng quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa thuộc lãnh thổ Trung Quốc, thì có thể chứng minh rằng, việc thừa nhận trong công hàm Phạm Văn Đồng rằng quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa thuộc lãnh thổ vốn có của Trung Quốc chính là cách suy nghĩ thực sự của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
4. Luận điểm 4 của phía Việt Nam: Ở thời điểm đó (1954-1958), căn cứ theo Hiệp định Giơ-ne-vơ thì, quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa đều thuộc phạm vi quản lí của nước Việt Nam Cộng hòa (miền Nam Việt Nam), tranh chấp lãnh thổ là giữa Trung Quốc và chính quyền Việt Nam Cộng hòa, chính quyền miền Bắc là bên thứ ba ở ngoài không liên quan đến tranh chấp, chính quyền miền Bắc không có quyền xử lí đối với quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa, vì vậy, công hàm Phạm Văn Đồng không có giá trị.
Phản luận của Ngô: Trước năm 1975, tức là trước khi chính quyền miền Bắc giành chiến thắng để thống nhất hai miền Nam Bắc, miền Bắc một mực tuyên bố mình là chính thống, là đại diện hợp pháp duy nhất cho Việt nam, và gọi chính quyền miền Nam là “bù nhìn”, là “chính quyền ngụy” phi pháp, cần phải tiêu diệt. Ở thời điểm đó, trên trường quốc tế, một số quốc gia có quan hệ tốt với miền Bắc, trong đó có Trung Quốc, đều thừa nhận miền Bắc là đại diện hợp pháp duy nhất cho Việt Nam; và phía Trung Quốc, vào ngày 18 tháng 1 năm 1950, thể theo đề nghị của chính quyền miền Bắc, đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với miền Bắc, hai bên cùng cử đại sứ (tới Hà Nội và Bắc Kinh). Trung Quốc là nước đầu tiên trên thế giới chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ những sự thực lịch sử không thể chối cãi đó, chính phủ Việt Nam hiện nay chính là nhà nước kế tục của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước đây, sau khi chiến thắng và thống nhất hai miền Nam Bắc, lẽ ra phải giữ vững chuẩn tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế, cũng tức là tín nghĩa cho nền chính trị của quốc gia, giữ vững lập trường quốc gia trước sau như một, đằng này, tại sao lại vì lợi ích vốn không nên có, mà “qua cầu rút ván”, bội tín phản nghĩa ? !
Nếu theo quan điểm đã nhắc đến ở trên của các học giả Việt Nam thì, miền Bắc là “bên thứ ba ở ngoài không liên quan”, như vậy, sẽ có nghĩa là thừa nhận địa vị hợp pháp của chính quyền miền Nam, và thế thì, những cái gọi là “bù nhìn” hay “chính quyền ngụy” chỉ là cách gọi càn, và việc “giải phóng miền Nam” của chính quyền miền Bắc chính là hành động xâm lược. Theo nguyên tắc của luật quốc tế, bên xâm lược không có quyền “kế thừa” lãnh thổ và tất cả các quyền lợi của bên bị xâm lược, thế thì, chính quyền Việt Nam hiện nay, vốn là kế tục của chính quyền miền Bắc trước đây, sẽ không có quyền lấy tư cách người kế thừa của chính quyền miền Nam để mà đưa yêu cầu về lãnh thổ đối với quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa.
5. Luận điểm 5 của phía Việt Nam: Căn cứ theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, chính quyền miền Bắc và chính quyền miền Nam đều là chính quyền lâm thời, cần phải có cuộc tổng tuyển cử trên toàn quốc mới có thể đưa đến một chính quyền hợp pháp. Trong tình trạng chưa có được chính phủ hợp pháp thông qua tổng tuyển cử trên toàn quốc, chính quyền lâm thời không có quyền quyết định vấn đề chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Bởi vậy, công hàm Phạm Văn Đồng không có giá trị.
Phản luận của Ngô: Tháng 7 năm 1954, các nước tham dự Hội nghị Giơ-ne-vơ đã kí Hiệp định đình chiến cho Việt Nam, trong Hiệp định có qui định rằng “thông qua bầu cử phổ thông tự do, thực hiện việc thống nhất hai miền Nam Bắc”. Thế nhưng, chính quyền miền Bắc lấy lí do rằng hiệp định này được kí kết dưới sự dàn xếp của chính phủ Trung Quốc, đã làm tổn hại đến lợi ích của Việt Nam, không đại diện cho lập trường của miền Bắc, cho nên ngay từ đầu đã không muốn tuân thủ hiệp định. Tiến triển lịch sử về sau này cũng cho thấy cả chính quyền miền Bắc và chính quyền miền Nam đều không hề có ý tiến hành cuộc tổng tuyển cứ phổ thông tự do trên toàn quốc thông qua các cuộc tiếp xúc, cũng không đạt được bến bất cứ thỏa thuận làm việc nào, mà cả hai chỉ tự mình tuyên bố mình là “chính thống”, qua đó cho mình trở thành chính quyền “mang tính vĩnh cửu” mà không phải là lâm thời. Cả hai đều xây dựng cơ cấu chính quyền quốc gia hoàn chỉnh, như có quốc hội, chính phủ và các cơ quan bộ.
Luận điểm số 5 ở trên đã bị sự thực lịch sử phủ định, không còn sức thuyết phục nữa.
6. Luận điểm 6 của phía Việt Nam: Theo nguyên tắc của hiến pháp, tất cả tuyên bố về với chủ quyền lãnh thổ mà chính phủ đưa ra đều phải có được phê chuẩn của quốc hội thì mới có hiệu lực. Công hàm Phạm Văn Đồng không thông qua quốc hội để được phê chuẩn, cho nên không có hiệu lực về pháp luật.
Phản luận của Ngô: Có học giả Việt Nam cho rằng đây là chỗ quan yếu nhất để chứng minh công hàm Phạm Văn Đồng vô hiệu, do đó, đây cũng là lí do không thể bác bỏ. Thế nhưng, ở bài này, tôi cho rằng, sự việc thảy đều không chắc như đinh đóng cột như họ nói đâu, có thể phản luận từ hai phương diện: lô-gich pháp luật, sự thực lịch sử.
Thứ nhất, công hàm Phạm Văn Đồng không phải là điều ước ngoại giao, cũng không phải là tuyên bố đơn phương từ bỏ chủ quyền lãnh thổ, nên không cần sự phê chuẩn của quốc hội. Năm 1958, chính phủ Trung Quốc công bố Tuyên bố Lãnh hải, mục đích của nó không phải là tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc chỉ riêng cho một mình Việt Nam. Chính phủ Việt Nam và ông Phạm Văn Đồng đã giao công hàm này cho phía Trung Quốc, cũng không phải là từ bỏ chủ quyền lãnh thổ của nước mình, mà là, từ xác tín trong nội tâm, đã “ghi nhận và tán thành” chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải của Trung Quốc. Bởi vì nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay từ đầu đã thừa nhận “quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa từ xưa đã là lãnh thổ của Trung Quốc”, về cơ bản, không có vấn đề Việt Nam từ bỏ chủ quyền lãnh thổ của mình.
Vào thời điểm đó, giữa Trung Quốc và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không có tranh chấp lãnh thổ, công hàm Phạm Văn Đồng là xác nhận sự thực của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là xác nhận ngoại giao về văn bản mà Trung Quốc đã đưa ra, là thuộc phạm vi quyền hạn ngoại giao của chính phủ Việt Nam, không cần có sự phê chuẩn của quốc hội.
Thứ hai, Việt Nam lúc đó không có quốc hội chính thức, cũng không có hiến pháp chính thức. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại quảng trường Ba Đình, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 6 tháng 1 năm 1946, Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành bầu cử toàn dân tại vùng mà mình quản lí được, đưa tới sự ra đời của “quốc hội soạn thảo hiến pháp” mang tính lâm thời, soạn ra hiến pháp. Thế nhưng, do quân xâm lược Pháp đang từ Hải Phòng tiến về uy hiếp Hà Nội, thời gian ngắn của hòa bình tạm thời đã bị phá bỏ, lại bắt đầu chiến tranh kháng Pháp, dự thảo hiến pháp tuy đã được thông qua nhưng chưa được đem ra công bố. Sau khi sứ mệnh soạn hiến pháp của “quốc hội soạn thảo hiến pháp” đã hoàn thành, nếu quốc hội chính thức được sinh ra một cách trái luật, thì hoạt động bình thường của quốc hội ấy sẽ càng không có gì để nói đến nữa. Do đó mới có “Quốc hội giao quyền cho chính phủ căn cứ theo nguyên tắc đã xác định của hiến pháp mà thực thi quyền lập pháp”. Tình trạng này kéo dài đến năm 1960. Sau này, phía Việt Nam xác định nhiệm kì của Quốc hội khóa I là từ năm 1946 đến năm 1960, với độ dài nhất là 14 năm, đủ để chứng minh là thời kì bất thường: (quốc hội) tồn tại tương đối khó khăn, chính quyền chưa thể thực hiện được các hoạt động một cách bình thường. Hiến pháp chính thức đầu tiên của Việt Nam là Hiếp pháp năm 1959.
Thông qua khảo sát về lịch sử hiến pháp và quốc hội của Việt Nam, có thể nghiêm túc nói rằng, trước và sau năm 1958, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chưa có hiến pháp, cũng chưa có quốc hội. Chính phủ căn cứ vào qui định của “quốc hội soạn thảo hiến pháp” mang tính lâm thời mà có được quyền lập pháp, điều đó có nghĩa, trên thực tế, chính phủ có cả quyền lực của quốc hội. Việc chính phủ của ông Phạm Văn Đồng gửi công hàm đó cho chính phủ Trung Quốc là hoàn toàn nằm trong phạm vi quyền hạn hợp pháp của chính phủ.
Ngô Viễn Phú
Bài này Dân News tổng hợp trên các trang mạng. Được biết ông Ngô Viễn Phú hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật Việt Nam (Đại học Dân tộc Quảng Tây), từng là du học sinh của Đại học Quốc gia Việt Nam. Ngô Viễn Phú cho biết ông từng theo học chương trình tiến sĩ luật học tại Khoa Luật thuộc Đại học Quốc gia Việt Nam, từ năm 2001 đến năm 2006.


CHUYỆN THI VÀ HỌC
                                                                      Nguyễn Văn Đại

Nhiều thầy cô giáo cứ phàn nàn rằng SV ngày nay lười quá, chẳng có chịu chuyên tâm học hành gì cả trong khi điều kiện học tập thì tốt hơn nhiều so với thế hệ của các thầy cô.
Nói như vậy có ý đúng và cũng có ý chưa đúng!
Sinh viên ngày nay ít người phải chịu đói triền miên suốt từ ngày này sang ngày khác. Ai có gia đình khấm khá một chút thì ăn ngon hơn, ai có bố mẹ làm những công việc, trong những ngành thu nhập thấp (chẳng phân biệt thành phố với nông thôn) thì chẳng ăn ngon nhưng cũng không đến nỗi ăn đói dài dài. Thế nhưng cái mặc cảm thấy người khác ăn tiêu vung tay thì cũng không khỏi mặc cảm, suy bì ngầm trong bụng.
Sinh viên ngày trước có lượng quần áo tương đồng nhau, chất lượng/ giá tiền cũng “same same”. Ai không có dép nhựa thì dép cao su. Ngày nay thì sự chênh lệch này rất lớn. Kẻ sang có thể coi thường kẻ kém. Người kém có thể chạnh lòng cạnh kẻ sang. Rồi điện thoại, rồi xe cộ… chênh nhau về giá cả cứ như cây mít với cây dáy dại mọc ven bờ ao.  
Như vậy, nếu lớp có tổ chức đi chơi đâu thì khổ quá!
Nhưng kẻ khó, nếu không đến nỗi quá khó, phải tự lập, tự lực cánh sinh thì học hành sẽ chuyên tâm hơn, như các thầy cô trước đây. Nếu có nhiều tiền sẽ ngứa ngáy, nhăm nhe nay mua cái này, mai sắm cái nọ… Rồi thì nhảy múa đi chơi, thăm vùng này vùng khác. Số phải tự lo thân một phần (hay toàn phần) bằng lao động với các ngành nghề vất vả thì chỉ còn tiếp thu bài vở ngay trên lớp, sao mà tính đến chuyện đọc tài liệu với học bài ở nhà!
Bài học ngày nay cũng khác nhiều với các bài học ngày trước. Ngày trước SV chỉ có thể tiếp thu kiến thức từ thầy. Bài giảng của các thầy thì chẳng khác nhau là mấy về nội dung, chỉ khác về phong thái hay trải nghiệm. Một số ít thầy cô có ngoại ngữ và thật say mê mới có thêm tư liệu đáng nói. Đúng sai cũng chỉ có vậy, thời gian thì ấn định. Vì thế việc theo học giống như đi đường độc đạo, khỏe yếu thì cũng lẽo đẽo mà lần dò.
Ngày nay  thì khác, nhiều môn học có thể lấy xuống từ mạng (tất nhiên với người thật chú tâm). Phần lớn người lấy bài xuống từ mạng chỉ để trốn chép bài trong lớp (mấy thầy cô bắt học trò tự trình bày bài nghiên cứu của mình đâu. Có thầy cho SV tự nghiên cứu thì SV sướng khi nghỉ tự do, nhưng bị hỏi bài thì phản ứng: chúng em chưa biết chúng em mới đi học!). Mà làm việc riêng trong lớp, lơ là trong giờ giảng thì về nhà có băm óc ra nhét chữ nó cũng chẳng vào chứ đừng nói còn tranh thủ đi phởn hay lo việc này việc nọ. Trước tình cảnh ấy thầy cô giáo có vẻ bị động: học trò cần biết, không cần hay biết rồi? Đâu có như dạy lái xe: người học tức là chưa thạo, cần bổ túc- hướng dẫn. Người biết rồi sẽ chẳng theo thầy làm gì cho tốn tiền, tốn  thời gian. Do vậy sự chểnh mảng trong lớp là điều khác biệt nổi bật giữa thời nay và một vài chục năm trước, tuy rằng bản tính lười của con người chẳng khác nhau là mấy.
Vì rằng lười là bản tính con người ta, cho nên khi con người bị ép thì làm, thì học. Không ép là ngơi. Để SV có thể hiểu biết, nhà trường và thầy cô giáo phải gò, phải rèn học trò. Bị “rèn” sao mà thích thú được, nhưng không rèn thì “ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri nghĩa”. Không chỉ người bị “rèn” thấy khổ, bản thân người đi “rèn” cũng cực nhọc chẳng kém. Ai cũng muốn mau mau cho xong việc!
Theo cái lý đó mà xem chuyện thi cử, kiểm tra.
Vừa rồi, do phụ huynh than phiền, Bộ GD và ĐT đã nới lỏng: giảm môn thi, cho học sinh tự chọn. Kết quả nơi nào kém môn gì, học sinh sẽ bỏ thi môn đó. Học sinh Hà Nội phải học thêm ngoại ngữ từ bé, biết chút ít tiếng Anh thì bỏ môn Sử. Học sinh những vùng nông thôn, ngoại ngữ tin học kém do không có điều kiện thì bỏ Anh theo Sử! Hậu quả là học mà vẫn tịt mít. Thật là đưa ra chính sách để học trò càng ngày học càng lệch!
Cần phải làm ngược lại: môn nào đã tổ chức học thì phải tổ chức thi. Không thi, trò sẽ không học, thầy cũng không muốn dạy. Trò nào muốn thi ĐH khối A, sẽ phải thi tốt nghiệp các môn kia mà không thi Toán, Lý, Hóa. Trò nào muốn thi ĐH với Văn, Sử, Địa thì phải thi tốt nghiệp với Toán, Lý, Hóa, Sinh v.v… Thi tốt nghiệp đề dễ hơn so với thi ĐH, nhưng nhất định phải thi.
Trong trường ĐH cũng thế, thầy cô không kiểm tra, SV cũng không học. Muốn SV học, thầy cô phải kiểm tra, cho điểm gắt gao chứ không phải bằng động viên, hô hào chung chung được. Thầy cô cho làm bài kiểm tra ở nhà thì SV bỏ học cũng chẳng sao.  Thầy cô chấm lỏng “đằng nào cũng qua” thì SV theo dõi bài, chép bài làm chi cho mệt người. Chép bài là “thụ động” ư? Xin thưa thụ động còn hơn ngồi buôn chuyện, làm việc riêng, “chát” hoặc vào “phây”. Chép bài khổ thật nhưng còn có cái mà học. Cóp tài liệu từ trên mạng xuống, SV có khi chẳng thèm đọc nội dung bên trong bài. Chắc chắn chép bài vẫn thu được nhiều hiểu biết. Còn ai muốn bổ sung, đối chiếu với tư liệu trên mạng xin hoan nghênh, nhưng làm sau, vào giờ giải lao hoặc ở nhà nhé!
Nếu điểm BTL, điểm TL thầy cô “cho” chừng 7, 8 điểm và lại “cho đại trà”. SV chỉ cần ôn tập lớt phớt, lấy 3, 4 điểm là được. Thế thì tội gì mà học! Do đó nếu thầy cô giáo không thực hiện việc kiểm tra gắt gao tại lớp, đánh giá điểm TL không căn cứ vào kết quả BTL mà theo sự “thảo luận tầm phào” biết gì nói nấy, thích gì nói vậy, chẳng có căn cứ gì… thì đó là một cách để SV lười, lười và lười hơn nữa!
Vừa qua một số thầy cô giáo đã áp dụng (có giao hẹn trước) đánh giá điểm TL căn cứ vào điểm BTL, và BTL được thực hiện gắt gao, cấm không trao đổi, cấm dùng tài liệu in, dùng máy tính, điện thoại… tinh thần học tập của SV được “đẩy xe cút kít” hơn hẳn.

Làm như vậy, dù thầy cô có mệt người hơn, SV bị gò ép hơn nhưng chắc hẳn qua mỗi buổi học cũng tiếp thu thêm được ít nhiều hiểu biết cần thiết.