CHUYỆN THI VÀ HỌC
Nguyễn
Văn Đại
Nhiều thầy cô giáo cứ phàn nàn rằng SV ngày nay lười quá, chẳng
có chịu chuyên tâm học hành gì cả trong khi điều kiện học tập thì tốt hơn nhiều
so với thế hệ của các thầy cô.
Nói như vậy có ý đúng và cũng có ý chưa đúng!
Sinh viên ngày nay ít người phải chịu đói triền miên suốt từ
ngày này sang ngày khác. Ai có gia đình khấm khá một chút thì ăn ngon hơn, ai
có bố mẹ làm những công việc, trong những ngành thu nhập thấp (chẳng phân biệt
thành phố với nông thôn) thì chẳng ăn ngon nhưng cũng không đến nỗi ăn đói dài
dài. Thế nhưng cái mặc cảm thấy người khác ăn tiêu vung tay thì cũng không khỏi
mặc cảm, suy bì ngầm trong bụng.
Sinh viên ngày trước có lượng quần áo tương đồng nhau, chất
lượng/ giá tiền cũng “same same”. Ai không có dép nhựa thì dép cao su. Ngày nay
thì sự chênh lệch này rất lớn. Kẻ sang có thể coi thường kẻ kém. Người kém có
thể chạnh lòng cạnh kẻ sang. Rồi điện thoại, rồi xe cộ… chênh nhau về giá cả cứ
như cây mít với cây dáy dại mọc ven bờ ao.
Như vậy, nếu lớp có tổ chức đi chơi đâu thì khổ quá!
Nhưng kẻ khó, nếu không đến nỗi quá khó, phải tự lập, tự lực
cánh sinh thì học hành sẽ chuyên tâm hơn, như các thầy cô trước đây. Nếu có nhiều
tiền sẽ ngứa ngáy, nhăm nhe nay mua cái này, mai sắm cái nọ… Rồi thì nhảy múa
đi chơi, thăm vùng này vùng khác. Số phải tự lo thân một phần (hay toàn phần) bằng
lao động với các ngành nghề vất vả thì chỉ còn tiếp thu bài vở ngay trên lớp,
sao mà tính đến chuyện đọc tài liệu với học bài ở nhà!
Bài học ngày nay cũng khác nhiều với các bài học ngày trước.
Ngày trước SV chỉ có thể tiếp thu kiến thức từ thầy. Bài giảng của các thầy thì
chẳng khác nhau là mấy về nội dung, chỉ khác về phong thái hay trải nghiệm. Một
số ít thầy cô có ngoại ngữ và thật say mê mới có thêm tư liệu đáng nói. Đúng
sai cũng chỉ có vậy, thời gian thì ấn định. Vì thế việc theo học giống như đi
đường độc đạo, khỏe yếu thì cũng lẽo đẽo mà lần dò.
Ngày nay thì khác,
nhiều môn học có thể lấy xuống từ mạng (tất nhiên với người thật chú tâm). Phần
lớn người lấy bài xuống từ mạng chỉ để trốn chép bài trong lớp (mấy thầy cô bắt
học trò tự trình bày bài nghiên cứu của mình đâu. Có thầy cho SV tự nghiên cứu
thì SV sướng khi nghỉ tự do, nhưng bị hỏi bài thì phản ứng: chúng em chưa biết
chúng em mới đi học!). Mà làm việc riêng trong lớp, lơ là trong giờ giảng thì về
nhà có băm óc ra nhét chữ nó cũng chẳng vào chứ đừng nói còn tranh thủ đi phởn
hay lo việc này việc nọ. Trước tình cảnh ấy thầy cô giáo có vẻ bị động: học trò
cần biết, không cần hay biết rồi? Đâu có như dạy lái xe: người học tức là chưa
thạo, cần bổ túc- hướng dẫn. Người biết rồi sẽ chẳng theo thầy làm gì cho tốn
tiền, tốn thời gian. Do vậy sự chểnh mảng
trong lớp là điều khác biệt nổi bật giữa thời nay và một vài chục năm trước,
tuy rằng bản tính lười của con người chẳng khác nhau là mấy.
Vì rằng lười là bản tính con người ta, cho nên khi con người
bị ép thì làm, thì học. Không ép là ngơi. Để SV có thể hiểu biết, nhà trường và
thầy cô giáo phải gò, phải rèn học trò. Bị “rèn” sao mà thích thú được, nhưng
không rèn thì “ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri nghĩa”. Không
chỉ người bị “rèn” thấy khổ, bản thân người đi “rèn” cũng cực nhọc chẳng kém.
Ai cũng muốn mau mau cho xong việc!
Theo cái lý đó mà xem chuyện thi cử, kiểm tra.
Vừa rồi, do phụ huynh than phiền, Bộ GD và ĐT đã nới lỏng:
giảm môn thi, cho học sinh tự chọn. Kết quả nơi nào kém môn gì, học sinh sẽ bỏ
thi môn đó. Học sinh Hà Nội phải học thêm ngoại ngữ từ bé, biết chút ít tiếng
Anh thì bỏ môn Sử. Học sinh những vùng nông thôn, ngoại ngữ tin học kém do
không có điều kiện thì bỏ Anh theo Sử! Hậu quả là học mà vẫn tịt mít. Thật là
đưa ra chính sách để học trò càng ngày học càng lệch!
Cần phải làm ngược lại: môn nào đã tổ chức học thì phải tổ
chức thi. Không thi, trò sẽ không học, thầy cũng không muốn dạy. Trò nào muốn
thi ĐH khối A, sẽ phải thi tốt nghiệp các môn kia mà không thi Toán, Lý, Hóa.
Trò nào muốn thi ĐH với Văn, Sử, Địa thì phải thi tốt nghiệp với Toán, Lý, Hóa,
Sinh v.v… Thi tốt nghiệp đề dễ hơn so với thi ĐH, nhưng nhất định phải thi.
Trong trường ĐH cũng thế, thầy cô không kiểm tra, SV cũng
không học. Muốn SV học, thầy cô phải kiểm tra, cho điểm gắt gao chứ không phải
bằng động viên, hô hào chung chung được. Thầy cô cho làm bài kiểm tra ở nhà thì
SV bỏ học cũng chẳng sao. Thầy cô chấm lỏng
“đằng nào cũng qua” thì SV theo dõi bài, chép bài làm chi cho mệt người. Chép
bài là “thụ động” ư? Xin thưa thụ động còn hơn ngồi buôn chuyện, làm việc
riêng, “chát” hoặc vào “phây”. Chép bài khổ thật nhưng còn có cái mà học. Cóp
tài liệu từ trên mạng xuống, SV có khi chẳng thèm đọc nội dung bên trong bài.
Chắc chắn chép bài vẫn thu được nhiều hiểu biết. Còn ai muốn bổ sung, đối chiếu
với tư liệu trên mạng xin hoan nghênh, nhưng làm sau, vào giờ giải lao hoặc ở nhà
nhé!
Nếu điểm BTL, điểm TL thầy cô “cho” chừng 7, 8 điểm và lại
“cho đại trà”. SV chỉ cần ôn tập lớt phớt, lấy 3, 4 điểm là được. Thế thì tội
gì mà học! Do đó nếu thầy cô giáo không thực hiện việc kiểm tra gắt gao tại lớp,
đánh giá điểm TL không căn cứ vào kết quả BTL mà theo sự “thảo luận tầm phào”
biết gì nói nấy, thích gì nói vậy, chẳng có căn cứ gì… thì đó là một cách để SV
lười, lười và lười hơn nữa!
Vừa qua một số thầy cô giáo đã áp dụng (có giao hẹn trước)
đánh giá điểm TL căn cứ vào điểm BTL, và BTL được thực hiện gắt gao, cấm không
trao đổi, cấm dùng tài liệu in, dùng máy tính, điện thoại… tinh thần học tập của
SV được “đẩy xe cút kít” hơn hẳn.
Làm như vậy, dù thầy cô có mệt người hơn, SV bị gò ép hơn
nhưng chắc hẳn qua mỗi buổi học cũng tiếp thu thêm được ít nhiều hiểu biết cần
thiết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét