Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Gian dối trong hồ sơ tranh cử Hiệu trưởng của PGS,TS Nguyễn Văn Minh
Bài viết sau đây - đã đăng trên báo Người Cao Tuổi. Những cáo buộc trong bài khá nghiêm trọng. Một báo khác đã cử phóng viên đi điều tra xác minh lại và thể hiện kết quả vào trong bài viết.Chúng ta thử xét xem có hợp lôgic không?
Phần I, đăng ngày 22/5/2013
Nhận chức Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (ĐHSP Hà Nội) không lâu, PGS.TS Nguyễn Văn Minh lập hồ sơ khoa học ứng cử chức danh Giáo sư. Từ Hội đồng Chức danh Giáo sư cơ sở trường "những bí ẩn" bắt đầu được vén lên. Hiện ông Minh không chứng minh được chức danh Giáo sư nghiên cứu tại Viện Công nghệ Bio-Nano trường Đại học Nữ Ewha (Hàn Quốc), Giáo sư mời giảng hằng năm tại Đại học Hoàng Gia Cam-pu-chia và số lượng lớn các bài báo khoa học quốc tế, nhiều dự án hợp tác khoa học quốc tế không chứng minh được (man khai nhằm nâng vị thế của mình khi tranh cử). Nghiêm trọng hơn, bản lí lịch chính trị của tân Hiệu trưởng cũng bị phát giác là thiếu trung thực, nhằm che đậy tội ác của một gia đình phản cách mạng. Còn nghi án tạo dựng tài liệu giả mang danh giáo sư In-Sang Yang đã được làm rõ…
ĐHSP Hà Nội “chọn mặt gửi vàng”, “đốt đuốc” tìm Hiệu trưởng
Đại học Sư phạm Hà Nội (ĐHSP Hà Nội) một trường đầu ngành Sư phạm cả nước. Qua 63 năm xây dựng trưởng thành, với nhiều thành tích xuất sắc, Trường được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, danh hiệu Anh hùng Lao động, v.v… Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần về thăm trường. Người dạy: "Làm thế nào để nhà trường này chẳng những là trường sư phạm mà còn là trường mô phạm của cả nước" trở thành niềm tự hào, mục tiêu phấn đấu của lớp lớp thế hệ thầy và trò ở đây. Làm theo lời dạy của Người, qua 11 nhiệm kì Hiệu trưởng (1951 - 2012) các Phó Giáo sư, Giáo sư danh tiếng được cán bộ và giáo viên "chọn mặt gửi vàng" bầu cử, Bộ Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) bổ nhiệm Hiệu trưởng. Đó là các GS.TSKH Lê Văn Thiêm, GS Đặng Thai Mai, GS.VS Phạm Huy Thông, GS Nguyễn Lương Ngọc, GS.TSKH Nguyễn Cảnh Toàn, GS Dương Trọng Bái, PGS.TS Phạm Quý Tư, GS.TS Vũ Tuấn, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, GS.TS Đinh Quang Báo và GS.TS Nguyễn Viết Thịnh. Trường có 70 giảng viên được phong hàm Giáo sư (có 3 giáo sư trẻ nhất Việt Nam, GS. Đỗ Đức Thái năm 2003, GS. Đặng Văn Soa năm 2007, GS Nguyễn Quang Diệu năm 2011); hơn 350 Phó Giáo sư, 33 Nhà giáo Nhân dân, 118 Nhà giáo ưu tú. Hiện trường có 23 khoa và 2 bộ môn trực thuộc.
Trong số các cựu Hiệu trưởng thuộc nhiều khóa, GS.TS Nguyễn Viết Thịnh (nhiệm kì 2006 - 2012) là Đại biểu Quốc hội Khóa XII. Ông Thịnh là "khuôn thước" cho cán bộ, giáo viên nhà trường tìm người "tài đức", "chọn mặt gửi vàng" bầu Hiệu trưởng nhiệm kì thứ 12 (2012 -2017).
Không được bổ nhiệm Hiệu trưởng vì lí lịch
Các ứng cử viên "sáng giá" được giới thiệu và qua 2 lần bỏ phiếu tín nhiệm của các Phó Giáo sư, Giáo sư và cán bộ chủ chốt khoa, phòng, ban của trường ngày 11 và 14/11/2011, có 3 người trúng cử với số phiếu cao là GS.TSKH Đỗ Đức Thái, GS.TS Vũ Văn Hùng và PGS.TSKH Nguyễn Mạnh Hùng. Ông Thái trúng số phiếu cao nhất (gần 65%). Theo hồ sơ khoa học công khai, tại thời điểm bầu ông Thái là Phó Chủ nhiệm bộ môn Toán -Tin, xứng đáng được "chọn mặt gửi vàng", bởi ông là một nhà giáo có uy tín. Giới toán học trong và ngoài nước đánh giá cao các công trình nghiên cứu khoa học của ông (được giải Ô-lym-píc toán quốc tế từ khi còn là học sinh trung học), là sinh viên giỏi nhất khoa Toán trường ĐHSP Hà Nội, được phong Phó Giáo sư năm 35 tuổi (1996), phong Giáo sư năm 42 tuổi (2003). GS.TSKH Đỗ Đức Thái từng là thầy dạy một thời của nhiều nhà khoa học có tên tuổi như các GS Vũ Hà Văn, Nguyễn Tiến Dũng, Ngô Bảo Châu... Ông còn chủ trì nghiên cứu đề tài khoa học cấp Nhà nước được đánh giá xuất sắc.
Theo ông Bùi Mạnh Nhị, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ GD&ĐT "Phải là nhà khoa học, nhà nghiên cứu có uy tín" mới đủ tiêu chuẩn làm Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội. Chiếu theo đó, ông Đỗ Đức Thái là người xứng đáng nhưng đã không được bổ nhiệm chức danh Hiệu trưởng vì lí do chính trị liên quan đến người bố làm việc cho Pháp, gây thắc mắc trong dư luận nhà trường và trong ngành Giáo dục đại học. Trong 11 nhiệm kì Hiệu trưởng của Trường ĐHSP Hà Nội, ông Thái là trường hợp đầu tiên không được bổ nhiệm Hiệu trưởng và cũng để quy chiếu cho lí lịch chính trị của các ứng viên Hiệu trưởng trường sau này, trong đó có lí lịch chính trị của ông Nguyễn Văn Minh hé lộ "nhiều bí ẩn".
Gia đình ông Nguyễn Văn Minh hai đời là ngụy quân, ngụy quyền
Công khai lí lịch chính trị, hồ sơ khoa học của các ứng cử viên tranh chức Hiệu trưởng trường ĐHSP Hà Nội, không có gì trái với quy định của Bộ GD&ĐT, của Đảng và Quyết định số 160/2005/QĐ-BCA ngày 23/2/2005 của Bộ Công an.
Lí lịch chính trị của PGS.TS Nguyễn Văn Minh được bảo đảm qua việc Chi bộ Khoa Vật lí Trường ĐHSP Hà Nội xác minh kết nạp vào Đảng ngày 12/5/2009. Gia đình ông Minh sinh sống ở xã Cam Nghĩa, huỵện Cam Lộ, Quảng Trị, thời Mỹ ngụy. Những năm 1968 - 1972 giai đoạn ác liệt nhất của mặt trận Quảng Trị, gia đình ông Minh có tới 4 người (bố, chú ruột và 2 anh) là ngụy quân, ngụy quyền. Bố ông Minh tên là Nguyễn Xuyên tham gia chính quyền ngụy, năm 1971 vướng mìn du kích chết tại xã Cam Nghĩa. Hai anh trai là Nguyễn Khâm năm 1969 đi lính ngụy “bị bệnh” chết năm 1971; Nguyễn Trọng từ năm 1972 - 1975 là nhân viên thông tin (tâm lí chiến) cho chính quyền ngụy, năm 1978 bị đối tượng (côn đồ) giết. Với lí lịch tự khai của ông Minh như trên, chỉ có thể xếp là thành phần gia đình phản cách mạng có hai đời là ngụy quân, ngụy quyền. Bản lí lịch không theo mẫu 2C của Ban Tổ chức Trung ương, không khai chính trị của bố mẹ và anh em, không niêm yết công khai, khiến khi bầu Hiệu trưởng, cán bộ, giáo viên của trường không ai biết bí mật bản lí lịch "bí ẩn" đó.
Việc ông Minh khai không rõ bố bị chết vì mìn của du kích (du kích cài mìn tiêu diệt ác ôn); anh trai Nguyễn Khâm năm 1969 đi lính, có tội ác với dân hay không? Năm 1971 Nguyễn Khâm là lính ngụy chết “bị bệnh”, hay tử trận... ông Minh còn giấu không khai trung thực là trái với khoản 4, Điều 2, chương I Điều lệ Đảng năm 2006. Việc ông Nguyễn Văn Minh được kết nạp vào Đảng ngày 12/5/2009, với bản lí lịch "còn nhiều bí ẩn" như trên đã là nền tảng, chân móng, điều kiện chính thức ngày 12/5/2010 để tháng 10/2010 là Chi ủy viên Chi bộ, Trưởng khoa Vật lí, hiện là Phó Bí thư Đảng ủy và Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội.
Phần II, đăng ngày 24/5/2013
Sau khi ứng cử viên sáng giá GS.TSKH Đỗ Đức Thái không được bổ nhiệm Hiệu trưởng, PGS.TS Nguyễn Văn Minh, Trưởng khoa Vật lí Trường ĐHSP Hà Nội là ứng cử viên mới xuất hiện tranh cử bằng hồ sơ lí lịch chính trị “nhiều bí ẩn” và hồ sơ khoa học không trung thực…
Trúng cử Hiệu trưởng bằng hồ sơ khoa học “man khai”, hồ sơ chính trị “nhiều bí ẩn”?
Hồ sơ khoa học tranh chức Hiệu trưởng của PGS.TS Nguyễn Văn Minh được công khai có 127 bài báo công bố, trong đó có hơn 60 bài báo quốc tế (32 bài có chỉ số ISI), đồng thời ông là Giáo sư nghiên cứu tại Viện Công nghệ Bio-Nano, Đại học Nữ Ewha (Hàn Quốc), là Giáo sư mời giảng hằng năm của Đại học Hoàng gia Cam-pu-chia, là người kí nhiều dự án hợp tác khoa học quốc tế đã và đang được thực hiện. Chưa có điều kiện để thẩm chứng kĩ hồ sơ khoa học nhưng mọi người tin khi ông Minh đã “cam đoan những thông tin trên là đúng sự thực, xin chịu trách nhiệm với những thông tin này”.
Ông Minh trúng cử với số phiếu cao, nhưng ngay chiều ngày 22/3/2012, ông Bùi Mạnh Nhị, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Bộ GD&ĐT đã tuyên bố hoãn bầu Hiệu trưởng, gây nhiều nghi ngờ trong dư luận của trường. Tại sao lí lịch các nhân sự được Đảng ủy trường lựa chọn trước khi bầu ở đợt 2 (có ông Minh) lại không được dán công khai để mọi người xem xét? Phải chăng vì sự cố “mù mờ” này, tạo hậu thuẫn cho ông Minh trúng cử? Hay Đảng ủy nhà trường đã thấy “những bí ẩn trong lí lịch”? Bằng bản lí lịch “còn nhiều bí ẩn” và hồ sơ khoa học chưa được thẩm định ông Minh đã trúng cử, Bộ bổ nhiệm sau thời gian “cân nhắc”, khi đó ông Minh chưa bị phát giác có sự “man khai hồ sơ khoa học”.
Không thể là nhà khoa học chân chính khi “lộ mặt man khai...”
Hội đồng chức danh Giáo sư cơ sở Trường ĐHSP Hà Nội họp ngày 19/9/2012. Hai bộ hồ sơ khoa học của ông Minh (tranh cử Hiệu trưởng ngày 29/3/2012 và ứng cử chức danh Giáo sư ngày 30/6/2012) được đưa ra soi chiếu. Nhiều thông tin bất nhất lộ khi ông Minh lí giải: Tôi có tham gia giảng dạy ở Cam-pu-chia, sang Hàn Quốc làm việc tại vị trí Giáo sư, thư mời không biết có còn không? Tôi làm việc như một Giáo sư nghiên cứu ở Viện Công nghệ Bio-Nano, không có giấy bổ nhiệm Giáo sư nghiên cứu. Tôi có 32 bài báo có chỉ số ISI là đúng.
GS.TS Vũ Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư cơ sở chứng minh, ông Minh có giấy mời chức danh Tiến sĩ, dạy một tuần ở Đại học Hoàng gia Cam-pu-chia, không phải là Giáo sư mời hằng năm như ông khai báo. Ở Hàn Quốc là Giáo sư nghiên cứu thì phải có giấy bổ nhiệm. Bản thân ông Hùng đã có những giấy tờ như thế, đề nghị ông Minh đưa giấy bổ nhiệm Giáo sư nghiên cứu để chứng minh. Ông Minh khai có 87 bài báo khoa học và 40 bài báo ở nước ngoài, qua thẩm chứng của Hội đồng (chênh lệch hơn 20 bài báo quốc tế so với hồ sơ tranh cử Hiệu trưởng). Thực tế ông Minh có hơn 30 bài báo nước ngoài, 26 bài có chỉ số ISI nhưng ông Minh khai 32 bài. Ông Vũ Văn Hùng nhấn mạnh: “Phải minh bạch thì chân dung nhà khoa học mới chân thực. Chúng tôi mong muốn một chân dung nhà khoa học chân thực, cần tính trung thực của một nhà khoa học…”.
Không được sự đồng thuận của Hội đồng Chức danh Giáo sư cơ sở vì sự thiếu trung thực, nhưng ông Minh vẫn đủ số phiếu tham ứng tại Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Vật lí. Ở Hội đồng ngành có thêm nội dung xét đơn tố cáo man khai hồ sơ khoa học của ông Nguyễn Văn Minh do một giảng viên Trường ĐHSP Hà Nội gửi các cơ quan chức năng. Tại hai Hội đồng, GS.TS Vũ Văn Hùng vẫn khẳng định ứng viên Nguyễn Văn Minh trả lời 4 câu hỏi phản biện ở hai Hội đồng cơ sở và ngành là không chính xác. Có nhiều điểm thiếu trung thực trong hồ sơ khoa học tranh chức Hiệu trưởng, lá thư của Giáo sư In-Sang-Yang (Hàn Quốc), ông Minh đưa ra chứng minh ông là Giáo sư nghiên cứu ở Viện Công nghệ Bio-Nano thuộc Đại học Nữ Ewha là không có cơ sở pháp lí. GS.TS Vũ Văn Hùng cho rằng do sự gian dối khai hồ sơ thiếu trung thực, ông Minh đã vi phạm tiêu chuẩn đạo đức nhà giáo.
Kết quả, PGS.TS Nguyễn Văn Minh không đạt số phiếu được phong học hàm Giáo sư năm 2012. Cùng thời điểm này hồ sơ lí lịch chính trị của ông Nguyễn Văn Minh cũng bị phát giác còn nhiều bí ẩn.
Không có Viện Công nghệ Bio-Nano ở Trường Đại học Nữ Ewha (Hàn Quốc)
Văn bản số 129 ngày 30/1/2013 Trường ĐHSP Hà Nội trả lời Tạp chí Ánh sáng và Cuộc sống, khẳng định ông Minh được mời tham gia hợp tác nghiên cứu và giảng dạy ở vị trí Giáo sư nghiên cứu tại phòng thí nghiệm quang phổ Raman, Bộ môn khoa học Nano, Khoa Vật lí, Đại học Nữ Ewha, Hàn Quốc (các năm 2004, 2005 và 2006). Xác nhận này cho thấy không có Viện Công nghệ Bio-Nano thì làm gì có vị trí Giáo sư nghiên cứu ở đó?
Dân Luận: Trường đại học Nữ Ewha (Ewha Womans University) có Viện Công Nghệ Nano-Bio (Institue of Nano-Bio Technology). Theo lời giới thiệu bằng tiếng Anh thì Viện này được hình thành 10/2002 dưới dạng một trung tâm, và trở thành Viện nghiên cứu năm 2003. Tới tháng 2/2011, Viện có tổng cộng 100 nhà nghiên cứu, 18 giáo sư toàn thời (fulltime), 3 giáo sư bán thời (part-time), 5 giáo sư nghiên cứu toàn thời, 6 nghiên cứu viên toàn thời, và 68 sinh viên cao học.Chúng tôi cũng tìm thấy trang web của giáo sư In-Sang Yang, người làm việc ở Khoa Vật Lý và bộ môn khoa học nano ở trường Nữ Ewha. Ông Nguyễn Văn Minh và ông In-Sang Yang đã có ít nhất hai bài viết đăng trên Tạp chí Hội Vật Lý Hàn Quốc (Journal of Korean Physical Society):1/ "Nano-Particles of Co Doped TiO2 Anatase: Raman Spectroscopy and Structural Studies", N. V. Minh, N. T. M. Hien, V. Vien, S. J. Kim, W. S. Noh and In-Sang Yangy, D. T. Dung, N. C. Khang and N. T. Khoi, Journal of the Korean Physical Society, Vol. 52, No. 5, May 2008, pp. 1629 -1632 (Received 17 July 2007, in nal form 22 August 2007).2/ "Nano-Sized Particles of Prussian Blue Analogue KxCoy[Fe(CN)6] and KxNiy[Fe(CN)6] : Synthesis and Their Properties", Nguyen Van Minh, Phung Kim Phu, In-Sang Yang, Journal of the Korean Physical Society, Vol. 53, No. 6, December 2008, pp. 3559 -3562. (Received 21 August 2007, in final form 3 August 2008).Trong bài số 1, tác giả Nguyễn Văn Minh được ghi chú là thuộc bộ môn khoa học nano, trường Nữ Ewha: "Division of Nano-Sciences, Ewha Womans University, Seoul 120-750 and Department of Physics, Hanoi National University of Education, 136 Xuan Thuy Road, Hanoi, Vietnam".
Sau khi làm việc với ông Bùi Mạnh Nhị, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Bộ GD&ĐT, đồng thời nghiên cứu tài liệu thu thập từ các cơ quan trong nước, các văn bản của Giáo sư In-Sang-Yang (Hàn Quốc) người mời ông Minh sang hợp tác nghiên cứu, cho thấy Trường Đại học Nữ Ewha không có Viện Công nghệ Bio-Nano. Viện dẫn tại thư mời ngày 6/12/2005 của Giáo sư In-Sang-Yang gửi Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh: “Thưa Tiến sĩ Minh! Tôi viết thư mời ông tới phòng thí nghiệm của tôi trong 6 tháng bắt đầu từ 1/3/2006 đến 31/8/2006. Mọi chi phí sinh hoạt và đi lại trong thời gian ông ở Hàn Quốc, được tài trợ bởi đề tài nghiên cứu của tôi… Kí tên In-Sang-Yang, Fax 82-2-3277-2372; Phone: 82-2-3277-2332; Email yang@ewha.ac.kr” là sự thừa nhận không có Viện Công nghệ Bio-Nano. Hai văn bản ngày 24/2/2005 và ngày 4/8/2006, Giáo sư In-Sang-Yang nhận xét quá trình Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh làm việc tại phòng thí nghiệm phổ Ramam, không có từ nào chứng minh ông Minh có chức danh Giáo sư nghiên cứu tại Viện Công nghệ Bio-Nano, trái lại có 15 lần nhắc tới ông Minh với chức danh Tiến sĩ và 5 lần nhắc tới phòng thí nghiệm quang phổ Raman thuộc Khoa Vật lí. Sự khai man của ông Minh về phần khai lí lịch khoa học các dự án “Hợp tác quốc tế” lại lòi “đuôi” khi ông khai “đã kí hợp tác với Viện Công nghệ Bi-Nano, Đại học Nữ Ewha Hàn Quốc, giai đoạn 2007 - 2012. Hằng năm có trao đổi cán bộ, đã gửi 2 sinh viên sang làm nghiên cứu sinh, 1 nghiên cứu sinh đã bảo vệ, năm 2011 phía bạn đã dành cho ĐHSP Hà Nội 10 học bổng Tiến sĩ”. Trường Đại học Nữ Ewha không có Viện Công nghệ Bio-Nano thì ông Minh kí hợp tác với Viện Công nghệ Bio-Nano “ma” chăng? Sự thực trên minh chứng việc man khai hồ sơ khoa học của ông Nguyễn Văn Minh là có chủ đích, nhằm đánh bóng tên tuổi của mình, đánh lừa các cơ quan chức năng, lừa cán bộ, giảng viên nhà trường, mục đích cuối cùng là đoạt chức Hiệu trưởng.
Phần III, đăng ngày 28/5/2013
Bị phát giác man khai lí lịch chính trị và hồ sơ khoa học tranh chức Hiệu trưởng, nghi án tạo dựng văn bản mang danh nghĩa Giáo sư In-Sang-Yang và bản lí lịch chính trị nhiều bí ẩn của PGS, TS Nguyễn Văn Minh cũng được giải mã…
Nghi án tạo dựng văn bản mang danh nghĩa Giáo sư In-Sang Yang?
Điều lạ lùng sau 7 năm ông Minh về nước, không hiểu lí do gì mà chỉ sau 2 ngày ông Nguyễn Văn Minh bị chất vấn tại Hội đồng Chức danh Giáo sư cơ sở, về chức danh Giáo sư nghiên cứu của ông tại Viện Công nghệ Bio-Nano Trường Đại học Nữ Ewha Seoul - Hàn Quốc, thì ngày 21/9/2012 Giáo sư In-Sang-Yang có ngay văn bản gửi Giáo sư Nguyễn Văn Minh để cứu cánh. Văn bản một lần nhắc ông Minh có chức danh Giáo sư nghiên cứu làm việc tại Labo từ tháng 1 đến tháng 8/2006. Tiếc thay nội dung này lại ngược với hai văn bản cũng do chính Giáo sư In-Sang-Yang nhận xét cho Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh năm 2005, 2006, trái với thư ngày 6/12/2005 mời Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh đến làm việc tại Labo từ 1/3/2006 đến 31/8/2006. Điều này gây nghi ngờ đây là văn bản tạo dựng, giả danh Giáo sư In-Sang-Yang, bởi nó không được phòng công chứng dịch như 2 văn bản trước. Thư ngày 21/9/2012 của Giáo sư In-Sang-Yang, được dịch bởi Phòng Quan hệ Quốc tế của Trường ĐHSP Hà Nội (bản dịch không có giá trị pháp lí). Hiện văn bản này được gửi tới Cơ quan Điều tra, đề nghị ông Minh xuất trình các văn bản chính có liên quan đến 2 thư mời và 3 thư nhận xét các năm 2005, 2006 và 2012, để xác định chữ kí của Giáo sư In-Sang-Yang. Cơ quan Điều tra cũng liên lạc với Giáo sư In-Sang-Yang để xác minh các văn bản do Giáo sư kí nhận xét về ông Minh… Nếu nghi án tạo dựng văn bản mang danh nghĩa Giáo sư In-Sang-Yang được giải mã, thì ông Minh vi phạm các Điều 267, 284 “tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức, giả mạo trong công tác” (làm giả giấy tờ của Giáo sư In-Sang-Yang, nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức man khai trong hồ sơ khoa học (tranh cử Hiệu trưởng) có liên quan, ảnh hưởng tới danh dự của Giáo sư In-Sang-Yang.
Giải mã bản lí lịch chính trị nhiều bí ẩn
Theo ông Bùi Mạnh Nhị, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Bộ GD&ĐT, khi bổ nhiệm chức danh Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội, Bộ không xác minh, mà căn cứ vào lí lịch chính trị của ông Minh được kếp nạp Đảng tháng 5/2009 tại Chi bộ Khoa Vật lí, được Đảng ủy trường và Đảng ủy Khối các trường đại học, Cao đẳng chuẩn y. Lo ngại những góc khuất trong lí lịch chính trị sẽ có ngày bị phơi bày, đường dây trung gian của ông Minh đã đánh tiếng đề nghị Báo Người cao tuổi không đăng bài… vì sự ổn định của nhà trường. Nhóm PV Báo Người cao tuổi đã về tận xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, quê hương của ông Minh tìm hiểu sự thực bản lí lịch còn “nhiều bí ẩn”.
Ông Lê Xuân Hà, Bí thư Chi bộ thôn Phương An 1 khẳng định, ông nhận xét lí lịch của ông Minh vào tháng 10/2009 (cuối mùa mưa). Ông Minh được kết nạp đảng tháng 5/2009? Ngày nhận xét của Đảng ủy xã Cam Nghĩa trong lí lịch kết nạp Đảng của ông Minh lại vào thời điểm tháng 2/2009 (mùa khô)? Thật khó hiểu?
Cái chết của ông Nguyễn Xuyên (bố ông Minh) được làm sáng tỏ bởi cụ Nguyễn Văn Hiệt, 82 tuổi, 52 năm tuổi đảng (người kể lại cho Bí thư Chi bộ Lê Văn Hà xác nhận lí lịch) và ông Trần Cao Quý, sinh năm 1958, hiện là Chủ tịch Hội Nông dân xã kể lại cho phóng viên chiều ngày 25/4/2013 tại trụ sở UBND xã Cam Nghĩa. Theo đó, thời kì từ năm 1970 - 1974 cụ Hiệt không có mặt tại xã Cam Nghĩa, còn ông Quý có mặt tại xã, nhưng cả cụ Hiệt, ông Quý, ông Hà Bí thư Chi bộ thôn và ông Lê Văn Vĩnh, Bí thư Đảng ủy xã đều khẳng định không được chứng kiến cái chết của ông Xuyên. Cái chết của ông Xuyên được cán bộ và nhân dân xã Cam Nghĩa kể lại về chiến công của du kích xã cài mìn hẹn giờ tiêu diệt chính quyền ngụy và tay sai, ác ôn năm 1971. Mìn nổ làm 4 ngụy quân ngụy quyền chết, trong đó có Xã trưởng ngụy tên Giao và ông Xuyên.
Một bí ẩn nữa chưa được giải mã cái chết của Nguyễn Khâm (anh trai ông Minh), năm 1969 đi lính ngụy, năm 1971 “bị bệnh” chết tại địa phương. Tất cả các nhân chứng chúng tôi gặp, đều không biết ông Khâm đi lính ngụy như thế nào và chết vì ốm thì phần mộ ở đâu? Có gây tội ác gì cho cách mạng không hoặc nếu còn sống thì làm gì, ở đâu? Người anh thứ hai là Nguyễn Trọng, những năm 1972 - 1975 là nhân viên văn hóa thôn Cam Nghĩa làm cho chế độ ngụy, năm 1975 đi “thanh niên xung phong”, năm 1978 bị côn đồ giết.
Tất cả các nhân chứng khi được hỏi đều khẳng định, năm 1972 xã Cam Nghĩa đã giải phóng chỉ có chính quyền cách mạng, không còn chính quyền cũ tại địa phương. Như vậy năm 1972 Nguyễn Trọng chạy vào Nam làm lính “tâm lí chiến” cho chính quyền ngụy. Năm 1975 giải phóng Nguyễn Trọng về địa phương, đi làm thủy lợi, (không phải là thanh niên xung phong). Như vậy phần khai về ông Trọng, ông Minh một lần nữa thiếu trung thực.
Theo cụ Nguyễn Văn Hiệt, gia đình ông Nguyễn Xuyên có 2 anh em, ông Xuyên là anh, em là Nguyễn Mạo, đều làm việc cho chính quyền ngụy, có “tội ác” ở địa phương. Nhân dân trong vùng căm ghét Nguyễn Mạo vì là kẻ chỉ điểm. Có biết bao cơ sở cách mạng, bao nhiêu đồng bào, đồng chí rơi vào tay giặc, bị giết tù đày bởi bàn tay anh em nhà Nguyễn Xuyên - Nguyễn Mạo? Năm 1972 vùng Cam Lộ giải phóng, Nguyễn Mạo chạy theo ngụy và chết năm 1972… Theo lí lịch tự khai khi kết nạp Đảng, ông Minh khai chú ruột Nguyễn Mạo là Phó Chủ tịch chính quyền ngụy ở xã Cam Nghĩa, thực chất là xã phó (ác ôn) bị mất tích? Từ năm 1968 - 1972 mặt trận Quảng Trị là chiến trường ác liệt, đặc biệt chiến trường Khe Sanh, Đường 9 - Nam Lào, đến 81 ngày đêm bi tráng mà tâm điểm là Thành cổ Quảng Trị, những gì khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh dồn vào đây, hơn 1 vạn chiến sĩ đã hi sinh anh dũng bảo vệ Tổ quốc. Đối nghịch lại, đại gia đình của ông Nguyễn Văn Minh ở Quảng Trị gồm 4 phần tử, 2 thế hệ theo giặc, có nợ máu với nhân dân. Năm 1972 gia quyến nhà ông Minh không trở về vùng quê giải phóng mà chạy theo bọn phản cách mạng… ngay cả bản lí lịch chính trị 2C khai khi tranh cử Hiệu trưởng cũng bỏ qua giai đoạn trước năm 1975 gia đình ông Minh ở đâu, ông Minh học ở đâu?
Ông Lê Xuân Hà Bí thư Chi bộ thôn Phương An 1 xác nhận lí lịch theo lời kể của cụ Hiệt và theo lí lịch tự khai có lời cam kết của ông Minh. Ông Hà nói: “Tôi nhận xét bản lí lịch khai đúng sự thực, kính chuyển cấp trên”. Như vậy, lí lịch để kết nạp Đảng của ông Minh không có nhận xét về thái độ chính trị của những người thân trước năm 1975. Việc khai thiếu trung thực là trái với khoản C điểm 3.2 Điều 3, văn bản số 04/HD-TCTW của Ban Tổ chức Trung ương ngày 5/2/2002. Trái điểm 24, 27 và 28 hướng dẫn số 05/HD-TCTW ngày 26/2/2002 hướng dẫn nghiệp vụ công tác đảng viên. Ông Minh dù đủ tiêu chuẩn kết nạp Đảng, nhưng nguyên tắc không thể đề bạt cho người có nhân thân như thế vào các chức vụ quan trọng. Theo ông Đặng Xuân Thư, Bí thư Đảng ủy Trường ĐHSP Hà Nội đã có ý kiến của Ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ có thể bổ nhiệm ông Minh làm Hiệu trưởng. Ý kiến đó của ai, theo văn bản nào ông Đặng Xuân Thư không đưa ra được. Việc khai lí lịch đảng của ông Minh không rõ ràng về cái chết của bố, anh trai và người chú ruột, nhiều điểm thiếu trung thực là trái Điều lệ Đảng, không đủ tư cách kết nạp đảng viên.
Cuộc bầu chọn Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội, GS,TSKH Đỗ Đức Thái có số phiếu cao nhưng không được Bộ bổ nhiệm vì lí lịch chính trị liên quan đến người bố làm việc cho Pháp. Vậy PGS, TS Nguyễn Văn Minh lí lịch kết nạp Đảng không rõ ràng, thiếu trung thực, gia đình có 2 thế hệ là ngụy quân, ngụy quyền, phản cách mạng, cùng bộ hồ sơ khoa học man khai và nghi án giả mạo giấy tờ... chẳng lẽ lại đủ tiêu chuẩn để Bộ GD&ĐT xác nhận là người “đủ đức, đủ tài” bổ nhiệm Hiệu trưởng?
Là trường đầu ngành Sư phạm cả nước, hằng năm Trường ĐHSP Hà Nội đào tạo và cấp hàng trăm, hàng ngàn bằng tiến sĩ, thạc sĩ và cử nhân. Ông Nguyễn Văn Minh xuất thân từ gia đình phản cách mạng, bản thân lại gian dối, man khai (có dấu hiệu vi phạm pháp luật) liệu có đủ tư cách kí vào những tấm bằng danh giá đó?
Phần IV, đăng ngày 30/5/2013
Cuộc bầu cử “dân chủ giả tạo” ở Trường Đại học Sư phạm (ĐHSP) là nỗi đau chưa từng có của trường này khiến các GS trung thực thất thế. Gian dối, không trung thực trong hồ sơ tranh cử PGS,TS Nguyễn Văn Minh lại trúng Hiệu trưởng, dựng "bè cánh", những cuộc thanh trừng ngầm diễn ra...
Bầu Hiệu trưởng từ bản khai lí lịch 2C trái mẫu và thanh trừng ngầm người đối kháng
Chưa có nhiệm kì nào Trường ĐHSP Hà Nội bầu Hiệu trưởng lại khó khăn và để lại nỗi buồn như nhiệm kì thứ 12 (2012 - 2017) bầu tân Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh. Những sai phạm tổ chức bầu Hiệu trưởng, Hiệu phó của trường lộ cái vỏ bên ngoài "dân chủ", bên trong là sự xếp đặt có chủ ý…
Không phải ngẫu nhiên Trường ĐHSP Hà Nội lại tự ban hành mẫu khai lí lịch tự thuật (không đúng mẫu 2C/TCTW và mẫu Sơ yếu lí lịch chuẩn, do Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Tư pháp quy định). Theo mẫu lí lịch tự thuật do trường ĐHSP Hà Nội ban hành, cấp cho 10 cán bộ có thư giới thiệu để bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng kê khai và thông báo số 441/TB-ĐHSPHN ngày 4/11/2011 của trường, các ứng viên không phải khai hoàn cảnh kinh tế, thái độ chính trị gia đình, bố mẹ, anh chị em ruột và gia đình bên vợ. Khai theo mẫu lí lịch tự thuật này, có 9/10 ứng viên, sinh sau năm 1954 ở miền Bắc, họ không tham gia gì cho đế quốc thực dân (trừ cha mẹ anh em của họ là những người lớn tuổi, nhưng phần này lại không phải khai). Riêng ứng viên PGS,TS Nguyễn Văn Minh sinh năm 1963, tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, gia đình sinh sống dưới thời Mỹ, ngụy trước năm 1975, nhưng mẫu lí lịch lại không phải khai. Cũng vì lí do chính trị của gia đình, ở tuổi 46, sau 26 năm dạy học, ông Minh mới được kết nạp Đảng tháng 5/2009, còn GS.TSKH Đỗ Đức Thái ở tuổi 50, sau 28 năm dạy học mới được kết nạp Đảng 9/2011. Hai ứng viên này ít tuổi Đảng nhất so với 8 ứng viên khác. Trong 2 ngày 11/11 và 14/11/2011 Trường ĐHSP Hà Nội tổ chức bầu Hiệu trưởng mới, ông Đỗ Đức Thái được số phiếu cao nhất (65%), tiếp đến các GS,TS Vũ Văn Hùng; PGS,TS Đỗ Việt Hùng; PGS,TSKH Nguyễn Mạnh Hùng. Nhưng Bộ GD&ĐT không bổ nhiệm Hiệu trưởng cho ông Thái (lí do ông không khai lí lịch chính trị có liên quan đến người cha làm việc cho Pháp). Bộ chỉ đạo Trường ĐHSP Hà Nội bầu Hiệu trưởng lần 2. Đảng ủy nhà trường chọn ông Đỗ Việt Hùng và Đặng Xuân Thư vào chung kết. GS,TS Vũ Văn Hùng; PGS,TSKH Nguyễn Mạnh Hùng có số phiếu cao trong lần 1 bầu cử Hiệu trưởng, bị loại. Trong danh sách 10 cán bộ có thư giới thiệu, có tên GS,TS Đặng Văn Soa, Phó khoa Vật lí, đến tháng 5/2013 mọi người mới biết ông Soa cũng có tên và ông Soa mới biết chuyện này. Văn bản 441 được gửi cho lãnh đạo các đơn vị trong trường, Đảng ủy và Ban Giám hiệu, không có lí gì cùng Khoa Vật lí, PGS,TS Nguyễn Văn Minh, Trưởng khoa nhận được để gửi lí lịch tự thuật tham gia ứng cử Hiệu trưởng, còn GS,TS Đặng Văn Soa lại không biết. Một bàn tay "vô hình" lộ rõ trong lần 2 bầu cử Hiệu trưởng thông qua việc lí lịch các nhân sự Đảng ủy lựa chọn trước khi bầu, không được dán công khai để cán bộ giảng viên xem xét cho ý kiến lại theo kiểu "mù mờ", đã loại các Giáo sư danh tiếng tạo cơ hội cho ông Minh trúng cử sáng 22/3/2012. Ngay chiều đó, ông Bùi Mạnh Nhị, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ GD&ĐT, lại tuyên bố hoãn bầu Hiệu trưởng. Sau thời gian "cân nhắc" hay "ngoại giao…". Bộ bổ nhiệm ông Minh làm Hiệu trưởng, (không thẩm tra lại lí lịch chính trị của gia đình ông Minh)? Những "bí ẩn chính trị" của gia đình ông Minh qua điều tra của phóng viên lộ rõ, đây là đại gia đình ngụy quân ngụy quyền. Ông Minh là đảng viên lại gian dối, không trung thực, man khai lí lịch chính trị và hồ sơ khoa học nhằm vượt lên trên các ứng viên khác để trúng “ghế” Hiệu trưởng. Lấy trường hợp lí lịch chính trị của ông Thái và tiêu chí đề bạt của Bộ GD&ĐT để quy chiếu, một đảng viên "thiếu trung thực, gian dối, có chủ ý", để "leo cao trên bậc thang danh vọng" như ông Minh, lại đủ tiêu chuẩn để Bộ bổ nhiệm Hiệu trưởng? Nếu lí lịch chính trị, ông Minh con gia đình ngụy quân ngụy quyền, man khai hồ sơ khoa học, có nghi án dựng giả văn bản mang danh nghĩa GS In-Sang-Yang… vẫn được Bộ bổ nhiệm Hiệu trưởng, thì cần xem lại việc không bổ nhiệm Hiệu trưởng với GS,TSKH Đỗ Đức Thái?
Củng cố “phe cánh”, vô hiệu hoá những người có uy tín
Sau khi trúng Hiệu trưởng, ông Minh đã sắp xếp một "hệ thống nắm giữ quyền lực" ở các khoa, phòng, ban trong trường. Thể hiện 2 trường hợp đạt số phiếu thấp nhất trong bầu chọn, vẫn được Hiệu trưởng cất nhắc vượt lên những người có số phiếu cao đề nghị Bộ phê duyệt chức danh Phó Hiệu trưởng, gây bất bình trong dư luận (trường hợp này đến nay Bộ chưa chuẩn y). Sự "thanh trừng ngầm" và "thanh trừng qua bầu cử", dẫn đến kết quả là lần đầu tiên trong 12 nhiệm kì Hiệu trưởng, Trường ĐHSP Hà Nội không có các GS danh tiếng tham gia Ban Giám hiệu ngay cả các phòng ban cũng vắng bóng giáo sư. Một số GS, PGS bị thuyên chuyển vị trí công tác, thực chất là "thanh trừng ngầm" đã chuyển ra khỏi trường như trường hợp GS,TSKH Nguyễn Mạnh Hùng; GS,TS Vũ Văn Hùng, họ là Trưởng phòng Khoa học Công nghệ, Trưởng phòng Tạp chí, bị điều động sang lĩnh vực khác, đẩy 2 ông này phải chuyển công tác ra khỏi trường. Trường hợp của GS,TS Đặng Văn Soa, đương đảm nhiệm Phó Trưởng khoa Vật lí nhiệm kì 2010 - 2015, không hiểu vì lí do gì tân Hiệu trưởng lại cách chức Phó khoa của ông. GS,TS Đỗ Thanh Bình nhiều năm làm Thư kí Hội đồng, phong chức danh Giáo sư cơ sở cũng bị tuột hết các chức vụ. Dư luận cho rằng các vị GS, PGS kia đều có trong Hội đồng phong chức danh Giáo sư cơ sở của Trường ĐHSP Hà Nội đã phát giác ra sự không trung thực trong hồ sơ khoa học của tân Hiệu trưởng đều bị ông Minh "trả thù" ngầm. Không ít người vì "cơm áo gạo tiền kiếm sống" mà phải nhẫn nhục lặng im không dám đối chọi với ông Minh. GS,TS Trần Đăng Xuyền; PGS,TS Kiều Thế Hưng, cựu Hiệu phó, ông Hải Trưởng phòng Đào tạo; PGS,TS Dương Vương Minh, Hiệu trưởng Trường Nguyễn Tất Thành... họ nhận được văn bản của trường đưa, kí tên xin nghỉ không giữ các chức vụ cũ... Ngày 15/5/2013 là ngày chấn động dư luận nhà trường, khi nghe công bố của tân Hiệu trưởng bổ nhiệm nhân sự các trưởng phó khoa, phòng, ban (trong đó nhiều trường hợp không thông qua Đảng ủy nhà trường), bấy giờ mọi người mới "ngớ" ra…
Ngay cả Ban Giám hiệu mới và Đảng ủy nhà trường cũng phải lặng im trong kì họp và không ít bất bình khi tân Hiệu trưởng, Phó Bí thư, chỉ đạo không bàn luận về việc Ban Giám hiệu cũ gửi 21 tỉ đồng vào ngân hàng ngoài sổ sách của trường. Động thái này cho thấy sự liên kết của ông Minh với Ban Giám hiệu cũ, phải chăng vì "tì vết" trong lí lịch của mình mà ông Minh phải bao che cho tham nhũng?
Phần V, đăng ngày 30/5/2013
Ông Nguyễn Văn Minh Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội đề bạt nhiều cán bộ chủ chốt của trường không thông qua Đảng ủy, kí quyết định tuyển dụng giáo viên "thuộc diện đào tạo theo địa chỉ”, lộ ra đường dây chạy đại học. Ông còn bao che cho việc làm khuất tất gửi 21 tỉ đồng gửi tiết kiệm của Ban Giám hiệu cũ. Cục Thuế Hà Nội và Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc kiểm tra…
Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội bổ nhiệm nhiều cán bộ chủ chốt không thông qua Đảng ủy.
Là Hiệu trưởng, ông Nguyễn Văn Minh đảm nhiệm rất nhiều chức trách. Ngoài việc chịu trách nhiệm trước Bộ GD&ĐT về hoạt động của trường, theo Luật Giáo dục và theo Điều lệ trường Đại học, ông còn trực tiếp chỉ đạo phụ trách các phòng Tổ chức cán bộ, Quan hệ quốc tế, Kế hoạch -Tài chính, Hành chính -Tổng hợp; Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng; Chỉ huy Trưởng Ban chỉ huy quân sự; Trưởng Ban An ninh chính trị - Bảo vệ nội bộ; Giám đốc Trung tâm Giáo dục từ xa; Chủ tịch ủy ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ; Trưởng Dự án Trường ĐHSP Hà Nội trọng điểm; Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo; Chủ tịch Hội đồng lương, Chủ tài khoản của trường… Với các trọng trách này, đủ thấy uy quyền của Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh. Việc đầu tiên khi nhận chức, ông lựa chọn những cán bộ “hiểu mình”, đề nghị Bộ GD&ĐT phê chuẩn chức danh Phó Hiệu trưởng. Còn nhân sự trong trường thuộc quyền ông đề bạt. Ngày 15/5/2013 Hiệu trưởng công bố bổ nhiệm nhân sự trong đó có nhiều người không thông qua Đảng ủy nhà trường, đây là lần đầu tiên trong 12 khoá Hiệu trưởng, ông Minh vượt qua thông lệ, chỉ thông qua Ban Thường vụ 5 người, cho thấy quyền lực đã tập trung vào “số ít”. Trong số những gương mặt được bổ nhiệm, có không ít người mới chưa đủ tín nhiệm trong trường, cũng có người “có sai phạm”, nhưng lại đủ “tín nhiệm” với Hiệu trưởng.
Nhận sinh viên “đào tạo theo địa chỉ” làm giảng viên… lộ đường dây chạy đại học.
Hơn một năm nhận chức Hiệu trưởng, ông Minh đã thể hiện rõ uy quyền của mình trong việc “cắt chức” cũng như đề bạt, tiếp nhận cán bộ. Tháng 5/2012 ông Minh kí quyết định tuyển dụng chị Nguyễn Thị Thanh Huyền cử nhân hệ chính quy đào tạo theo địa chỉ (tỉnh Tuyên Quang), làm giảng viên tổ bộ môn Động cơ đốt trong, khoa Kĩ thuật Sư phạm. Thật khó lí giải vì sao Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh lại cố tình tiếp nhận giáo viên trái với quy định của Chính phủ và ngành Giáo dục? Trường hợp chị Huyền học lớp đào tạo theo địa chỉ, theo quy chế tốt nghiệp phải trở về Tuyên Quang công tác. Thế nhưng, Trường ĐHSP Hà Nội lại kết luận “Quy trình và tiêu chuẩn tuyển dụng tạo nguồn giảng viên của Khoa Kĩ thuật sư phạm là đúng với quy định của Trường”. Tuy nhiên quy định của trường lại không có điều khoản nào cho phép tuyển sinh viên diện đào tạo theo địa chỉ, vì người đi học theo diện này được hưởng hỗ trợ kinh phí, được địa phương phân công công tác sau khi tốt nghiệp. Mặt khác, tiêu chuẩn đối tượng tuyển sinh diện đào tạo theo địa chỉ được “áp dụng cho đối tượng ở vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số”, tỉnh Tuyên Quang có 32 xã đặc biệt khó khăn của 4 huyện Yên Sơn, Sơn Dương, Nà Hang và Chiêm Hóa. Nhưng chị Huyền có hộ khẩu tại thị xã Tuyên Quang, vậy tại sao lại lọt vào diện đào tạo theo địa chỉ của 32 xã đặc biệt khó khăn? Nếu tỉnh Tuyên Quang không cử chị Huyền trong diện này, không hỗ trợ kinh phí đào tạo, không phân công công tác cho chị Huyền sau khi học xong lớp “đào tạo theo địa chỉ”, thì lộ ra đường dây chị Huyền chạy vào đại học, đội lốt “sinh viên đào tạo theo địa chỉ”, để được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước và tỉnh Tuyên Quang. Cũng như trường hợp chị Huyền, chị Vũ Thị Ngọc Thuý (cùng lớp với chị Huyền), năm 2011 được Hiệu trưởng Nguyễn Viết Thịnh kí quyết định tiếp nhận, trái quy định của Chính phủ. Từ đây hé lộ “đường dây chạy vào đại học” diện đào tạo theo địa chỉ ở tỉnh Tuyên Quang. Đây chỉ là 2 trường hợp bị phát giác, trong khi nhiều năm qua, ĐHSP Hà Nội đã đào tạo sinh viên thuộc diện cử tuyển và đào tạo theo địa chỉ, nếu điều tra ai dám chắc, trong số hàng nghìn sinh viên thuộc diện này, lại không có những người “chạy vào đại học” như trường hợp của hai chị Thuý và Huyền?
Những dấu hiệu vi phạm tài chính của Trường ĐHSP Hà Nội đã phát lộ.
Hiệu trưởng cũ trường ĐHSP Hà Nội là GS,TS Nguyễn Viết Thịnh, (Đại biểu Quốc hội khoá XII), có thể nhìn ra những “tì vết chính trị” của ông Nguyễn Văn Minh, nhưng vẫn hết sức ủng hộ, để ông Minh phải đáp ơn “nâng đỡ” mà im lặng “che đậy, bảo vệ” những dấu hiệu sai phạm kinh tế của Ban Giám hiệu tiền nhiệm. Và ông Minh đã thể hiện hết quyền uy, trong cuộc họp Đảng ủy Trường, ngang nhiên “bao che” cho vụ ông Thịnh (Ban Giám hiệu khoá trước), cho gửi 21 tỉ đồng ngoài sổ sách. Không ngờ những bí ẩn về lí lịch chính trị và hồ sơ khoa học tranh cử Hiệu trưởng của ông Minh man khai bị lộ tẩy, kéo theo việc ông Minh “bao che” cho những dấu hiệu sai phạm tài chính nhiệm kì ông Thịnh làm Hiệu trưởng cũng bị phát giác, Cục Thuế Hà Nội đang kiểm tra tài chính của trường.Trước đó, Thanh tra Chính Phủ đã vào cuộc thanh tra khoản 21 tỉ đồng gửi ngân hàng. Tại biên bản làm việc với người có đơn tố cáo (ngày 20/3/2013), ông Đặng Xuân Thư, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội nêu rõ: “Số tiền 21 tỉ đồng gửi của nhà trường, đúng sai thế nào sẽ do Thanh tra Chính phủ xem xét. Những vấn đề này đã được ghi lại trong biên bản họp của Đảng ủy trường. Việc đưa những thông tin cuộc họp ra ngoài là vi phạm nguyên tắc sinh hoạt Đảng”. Hoá ra ở trường ĐHSP Hà Nội nguyên tắc sinh hoạt Đảng là phải “bao che cho tham nhũng”! Trong khi Bí thư Đảng ủy và Hiệu trưởng nhà trường nói “vụ việc 21 tỉ đồng gửi ngân hàng phải giữ kín trong cuộc họp Đảng ủy” và truy lùng ai đưa thông tin ra ngoài, thì hành động của bà Trần Thị Thái cán bộ văn thư nhà trường, dũng cảm tố giác sai phạm thật đáng trân trọng. Bà Thái thấy dấu hiệu gửi tiền mờ ám đã phản ánh: “Ngày 30/8/2011 đóng dấu hợp đồng gửi tiền tiết kiệm của Trường tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số tiền gửi là 6 tỉ đồng Việt Nam), thời hạn gửi 6 tháng từ 5/9/2011 đến 17/2/2012 lãi suất 14%/năm. Khoảng 1 tháng sau đ/c Hiền (Tài vụ) có mang xuống đóng dấu 15 tỉ đồng (Việt Nam) để gửi Ngân hàng BIDV, đ/c Dương (Hành chính) đóng dấu và cũng không cho lưu trữ bản nào”. Nếu bà Thái không tố cáo thì khoản tiền 21 tỉ đồng này sẽ lọt vào tay những ai? Giờ đây cán bộ giáo viên trong trường cần ông Minh Hiệu trưởng công bố rõ; khoản tiền này thuộc nguồn nào vì sao lại gửi tiết kiệm ngoài sổ sách? Sau khoản tiền 21 tỉ đồng bị phát hiện, những nghi vấn hơn 20 nguồn thu cho thuê mặt bằng nhiều năm qua đã được đặt ra. Chiếu theo quy chế chi tiêu nội bộ ban hành theo Quyết định số 3897/ĐHSPHN-KHTC ngày 27/10 năm 2011, nhà trường có tới 11 nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp, nguồn thu nào cũng phải trích để lại 10% quỹ, 10% cho quản lí và điều hành. Riêng kinh phí 10 hệ đào tạo (7 hệ đại học, 3 hệ sau đại học), 4 nhóm kinh phí các lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ, nhóm cán bộ quản lí điều hành đều được hưởng 10%? Cụ thể đào tạo tại chức giáo viên có trình độ đại học sư phạm ngành Thể dục thể thao K1 cho tỉnh Hải Dương, theo hợp đồng đào tạo số 546/HĐ-ĐT ngày 31 /1/2010, tổng số kinh phí là 614 triệu đồng, theo đó kinh phí quản lí và các công việc phục vụ đào tạo, kinh phí hỗ trợ đào tạo đã chiếm 169 triệu đồng. Tính ra riêng nguồn kinh phí đào tạo ngoài trường hàng năm trên dưới 80 tỉ đồng, nếu dành 20% quỹ ( quỹ 10% và 10% cho quản lí điều hành) số tiền sẽ là 16 tỉ, nhưng tính theo cách để quỹ như hợp đồng với tỉnh Hải Dương thì có bao nhiêu tỉ dành cho kinh phí quản lí và những ai được hưởng?
Thay lời kết.
Hội đồng phong giáo sư Ngành Vật lý gồm các giáo sư danh tiếng đầu ngành đã loại ứng viên Nguyễn Văn Minh khỏi danh sách phong chức danh Giáo sư, vì ông Minh không thể là nhà khoa học chân chính, khi “man khai, thiếu trung thực” vi phạm đạo đức nhà giáo, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.... Bản lí lịch bí ẩn của gia đình, ông Minh cố tình che dấu, đã bị lộ rõ có 2 thế hệ (4 người) tham gia nguỵ quân nguỵ quyền phản cách mạng. Sự việc rõ ràng, đã đến lúc Bộ GD&ĐT cần nhanh chóng xem xét lại có nên để ông Minh làm Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội, thậm chí ông Minh không xứng đáng đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam vì man khai lí lịch.Từ vụ việc của ông Nguyễn Văn Minh, những dấu hiệu vi phạm tài chính của Trường ĐHSP Hà Nội trong nhiệm kì của Hiệu trưởng Nguyễn Viết Thịnh đã bị phát lộ, đang chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ và đoàn kiểm tra Cục thuế Hà Nội và Bộ GD&ĐT không thể không quan tâm đến vấn đề này. Sự việc của Trường ĐHSP Hà Nội xảy ra đúng lúc cả nước đang tổng kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 4 của Trung ương Đảng, không thể vì bất cứ lí do nào, tác động của ai, có thể che giấu hay bênh vực cho những dấu hiệu sai phạm về tổ chức và tài chính của Trường ĐHSP những năm qua.
Nhóm PVĐT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét