Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

CHÙA VŨ TRÊN NỀN PHỦ VŨ BỊ KHI XƯA...

Chùa Vũ trên nền Phủ Vũ Bị khi xưa
Trên đường máng Điện Biên (nay thấy có tên là đường tỉnh 902-1) rẽ xuống phía nam ta sẽ thấy kề sát Trường Trung học Bình Lục B là chùa Vũ mới được Giáo hội Phật giáo VN và chính quyền địa phương cho xây dựng trên nền phủ Vũ Bị khi xưa.
Theo tộc phả còn lưu truyền tại phủ Vũ thì mùa xuân năm 1010, Lý Thái Tổ về quê Kinh Bắc thăm tổ đường, trên đường trở lại Hoa Lư, Lý Thái Tổ ghé thăm đất Hương Ngư, huyện Thượng Hiền (nay thuộc làng Vũ, xã Vũ Bản). Trong cuộc tuần du này có phò mã Đào Cam Mộc hầu giá. Đây có thể coi là chuyến khảo sát cuối cùng cho công cuộc dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long.
Đào Cam Mộc là Thái sư Á vương, mất năm 1015. Đây là vị Thái sư đầu tiên quốc gia Đại Việt. Trước đó, người thanh niên quê Thanh Hóa này có sự thông minh quyết đoán hơn người này đã được nhà Tiền Lê cho làm Chi hậu (hầu cận vua).
Thấy đất Vũ Bị thế đẹp, dân làng thuần hậu phò mã Đào Cam Mộc xin vua ban đất để sau này đưa công chúa về ở. Công chúa An Quốc xuất tiền riêng mở mang ruộng đất, xin vua dựng bia thế nghiệp, đến nay phủ Vũ Bị còn giữ hai tấm đá cổ, các nhà chuyên môn gọi là Thạch Kiệt, hiểu chung là mốc ruộng đất “Sắc cấp tứ” nhà vua cấp cho người có công. Thạch Kiệt được dựng vào năm Hồng Thuận thứ 5, ngày 25-2 năm 1513, ghi chép trên 140 mẫu ruộng ở các xứ trong vùng, xa nhất là đồng Ba, thuộc xã Đồn Xá, huyện Bình Lục.
Ngày xưa, các di tích thờ vợ chồng Đào Cam Mộc đều có miếu nguy nga (hồi học cấp I, mình theo chân mấy ông anh tham quan “trường cấp II” (?) ở Phủ Vũ cũng thấy phủ rất hoành tráng. Phía trước còn có hai đoạn tường thành với một cái cổng uy nghi.  Ngày nay nơi này vẫn còn nhiều ngôi nhà được xây quần tụ theo kiểu các “cung” chứ không theo kiến trúc chùa Đại Thừa mà ta thường thấy.
Có một truyền thuyết sai lầm là công chúa An Quốc triều Lý có chồng là An Quốc, anh trai Trần Thủ Độ đã nổi loạn chống lại nhà Trần ở Quắc Hương, nay thuộc xã Vũ Bản, Bình Lục, Hà Nam. Cuộc nổi loạn đã bị chính Trần Thủ Độ dẹp tan. Có lẽ điều này giải thích tại sao chính Trần Thủ Độ lãnh đất thái ấp ở làng Quắc Thị. Nơi này về sau trở thành một cái ĐÌNH (nhưng lại ở cuối làng chứ không đầu làng như những cái đình khác), gọi là Đình Cả. Có thể nói đình to nhất vùng. Nhưng nay sau nửa thế kỷ bị bỏ hoang và bòn rút thì nó đã trở nên tiêu điều.  
Nhưng thực ra  Trần Thủ Độ sinh 1194, mất 1264.  Tức là hai trăm rưỡi năm sau khi công chúa An Quốc mất.  Do đó người nổi loạn có thể là một người thuộc hoàng tộc nhà Lý, nhưng chắc chắn không phải là con gái của vua Lý Thái Tổ, vợ của Đào Cam Mộc như đã chép trong tộc phả!  
Ngày nay đang có trào lưu xây chùa tràn lan ở khắp mọi nơi. Một đoạn đường vài km đã mấy biển chỉ dẫn đường vào chùa này chùa nọ. Nào là chùa An Nội, chùa Đông Thành, chùa Vũ (trước đây chưa từng nghe tên). Một ngôi chùa được tôn tạo (nhưng về cơ bản là mới) nữa là chùa làng Vàng (ngay cạnh đó, thuộc xã Bồ Đề)  đang được cư dân trầm trồ khen ngợi về lượng tiền đầu tư và độ “hoành tráng”.

Chùa Vũ sử dụng những ngôi nhà cũ thuộc phủ Vũ và cả những nhà mới không có quy hoạch từ trước nên nhìn rất “lạ”. 
Chẳng hiểu tại sao người ta lại cố dựng bằng được chùa này, để cho “không thua kém người” sao?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét