Hai năm rồi mình mới có dịp
quay lại Sóc Trăng. Lần này thì nghỉ và giảng ngay ở khu chính của Trường Cao
đẳng Cộng đồng. Nơi nghỉ và làm việc tốt hơn nhiều so với địa điểm cũ.
Mình cũng có dịp lượn lại
chùa Dơi (Chùa Mã Tộc, chùa Wathsêrâytecho Mahatup). Ngôi chùa
được xây dựng cách đây 400 năm tại tỉnh Sóc Trăng.
Chùa có hàng ngàn bảo vật quý gồm tượng Phật và tứ linh Long
Ly Quy Phượng đều được nặn bằng đất sét.
Gọi là chùa Dơi vì ngôi chùa này từ lâu đã là trung
tâm trú ẩn của các “Ngài Dơi”. Rất nhiều! Nhưng nghe nói bây giờ đã giảm đi
nhìn thấy. Vì sao chẳng ai biết.
Lần đầu tiên mình tới chiêm
ngưỡng chùa Chén kiểu (Chùa Sà Lôn, tiếng Khmer: Wath
Sro Loun, hay Wath Chro
Luông). Đây là một ngôi chùa cổ thuộc hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer, tọa lạc bên Quốc lộ 1A, cách Trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 12 km về
hướng Bạc Liêu (ngồi sau xe máy
thấy cũng hơi xa).
Để dễ phát
âm, từ "Sro Loun" được đọc chại thành "Sà Lôn". "Sro
Loun" lại có nguồn gốc từ chữ "Chro Luong", là tên của một con
rạch chạy dọc theo đường làng trước đây ở gần chùa.
Sở dĩ chùa
Sà Lôn còn được gọi là "chùa Chén Kiểu" là do dùng những mảnh chén,
đĩa sứ ốp lên tường để trang trí.
Chùa tọa lạc trong một khuôn
viên rất rộng với nhiều cây xanh. Hai bên cổng ngự hai con sư tử bằng
đá trên bệ cao, hướng ra lộ. Trên cổng xây ba ngôi tháp, được trang trí theo
kiến trúc truyền thống của đồng bào Khmer ở Nam Bộ. Tháp chính nằm ở giữa, màu vàng, bên
trong có lồng kính, tôn trí một pho tượng Phật ngồi uy nghi. Trên thành cổng là tên
chùa bằng chữ Khmer và chữ Việt (chùa Sà Lôn).
Ngôi chính điện là một tòa
nhà kiên cố và rộng lớn. Nền lát gạch bông, và phần lớn các mảng tường ở
đây cũng đều được ốp gạch men (đủ màu, và lớn nhỏ khác nhau) thời hiện đại.
Cũng giống như những ngôi
chùa Khmer khác, mái chánh điện chùa chùa Sà Lôn được xây dựng theo dạng tam
cấp, tức có 3 nếp, nếp dưới cùng lớn nhất và nhỏ dần ở bên trên. Nếp trên cùng
có hình tam giác, hai đầu đao mỗi bên cong lên, và nơi trung tâm có đỉnh nhọn
cao vút. Mái được trang trí nhiều họa tiết với màu sắc rất đẹp mắt. Mặt sau
chính điện là một mảng tường đắp nổi bởi nhiều mảnh chén kiểu vỡ rất sắc sảo.
Phía trong chánh điện có đặt
một bàn thờ, và chỉ thờ duy nhất Phật Thích Ca. Có khoảng 20 tượng phật ở đây;
lớn, nhỏ đứng ngồi nhiều tư thế khác nhau, và các gương mặt đều nhìn về hướng Đông để ban phúc.
Về kiến trúc, ở đây có 16
hàng cột to chống đỡ mái, và đều được dán bằng gạch men. Trên trần có trang trí
họa tiết nhiều màu sặc sỡ, và hai bên bức tường có nhiều tranh vẽ kể về cuộc
đời của Phật Thích Ca.
Giữa sân chùa Sà Lôn là một
cột cờ với hình tượng rắn thần Nagar xòe 5 đầu, nhắc đến điển tích rắn xòe đầu
ra để che mưa cho Phật Thích Ca khi người tọa thiền. Bao quanh khu cột cờ này,
là các dãy nhà nhằm phục vụ cho việc tu học của các sư sãi.
Phía sau chùa là Khu vườn
Phật Thích Ca. Đây là quần thể kiến trúc gồm nhiều tượng Phật lớn nhỏ, mô phỏng
khá sinh động quá trình ra đời, đi tìm chân lý, giác ngộ cho đến khi nhập cõi Niết-bàn của
đức Phật ấy.
Và cũng tương tự như những
ngôi chùa Khmer khác, tượng các tiên nữ, Krud (hay Garuda), sư tử thần,… cũng
được dùng để trang trí tại chùa Sà Lôn.
Trong chùa
hiện còn lưu giữ một số đồ gỗ được nhà chùa mua lại trong phần gia sản của
"Công tử Bạc Liêu" (Trần Trinh Huy) năm 1947, với giá khá cao. Đó là
chiếc tủ cẩn xà cừ, bộ trường kỷ cùng 2 chiếc giường ngủ mùa đông và mùa hè. Tất
cả đều được chạm, khảm rất cầu kỳ, thể hiện sự xa hoa của một người ăn tàn phá
tán.
Nếu có dịp quay lại Sóc
Trăng, mình sẽ đi thăm Chùa Bốn Mặt thuộc xã Phú Tân, huyện Châu Thành, cách
TP. Sóc Trăng khoảng 6 km theo hướng về huyện Kế Sách. Nghe giời thiệu trên truyền hình mà dịp này
không còn thời gian để đi. Nhất định sẽ đến veni
vidi mà không vici cái gì cả!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét