Thứ Ba, 4 tháng 2, 2014

PHỦ VŨ BỊ VÀ ĐÀO CAM MỘC, CÔNG CHÚA AN QUỐC TRIỀU LÝ


Hồi còn là nhóc con, chừng 10 tuổi gì đó, mình có đi theo mấy ông anh trong làng lên “trường học” thời đó ở Phủ Vũ. Ấn tượng về một tòa kiến trúc kiên cố mãi sau này mới gặp ở kinh thành Huế rồi Hà Nội (theo bước chân người lính và làm học trò). Nhưng thú thật nghe láng máng chẳng biết cái công trình này sao mà nó to thế. Dân chúng trong xã cũng chẳng nghe thấy ai nói, trong khi mình là tay “hóng hớt” có hạng về những chuyện lịch sử văn hóa.
Hai năm trước (năm 2011)  nghe một người có chút dây mơ dễ má họ Trần (cháu của một bà chị dâu) kể chút lai lịch về làng Vọc cùng tiếng vọng xa xưa của họ Trần tại vùng đất này. Mình chẳng nhớ được chính xác (kể trong bữa rượu mà). May hôm nay tìm lai lịch vùng đất này lại vớ được tài liệu sau đây. Chép lại kẻo sau này quên mất.
Đào Cam Mộc là Thái sư Á vương, mất năm 1015. Đây là vị Thái sư đầu tiên quốc gia Đại Việt. Ông vốn quê ở Yên Định, Thanh Hóa, có sự thông minh quyết đoán hơn người và đã được nhà Tiền Lê cho làm Chi hậu (hầu cận vua).
Đến đây lại nhớ đình Đông Thành thờ Thành hoàng làng là người “Đô dù đại vương” (che lọng cho vua mà cũng được phong thánh để thờ, thảo nào các lái xe, bảo vệ của các sếp lớn “oai phong” thế, bây giờ mình mới hiểu).
Quay lại chuyện ông Đào Cam Mộc thì có thư tịch Ngọc phả tướng Đào Cam Mộc và công chúa Thiềm Hoa- An Quốc tại phủ Vũ Bị, soạn năm 1502 và chép lại năm 1831 (Qua một thời gian dài thế rất có thể có sự sai lệch như đền thờ tam vương họ Đàm ở Thái Bình chăng?). Một tài liệu nữa (không phải là chính sử) là bản tự phả chùa Đông Hải, nay là đền Vệ xã Khánh Phú, Yên Khánh, Ninh Bình cũng nói về thân thế sự nghiệp của vị danh tướng này.
Phả chép rằng, mùa xuân năm 1010, Lý Thái Tổ về quê Kinh Bắc thăm tổ đường, trên đường trở lại Hoa Lư, Lý Thái Tổ ghé thăm đất Hương Ngư, huyện Thượng Hiền (nay thuộc làng Vũ, xã Vũ Bản. Sao lại gọi là làng Vũ mà không nói là thôn Vũ? Vì xung quanh phủ là cánh đồng, phủ nằm giữa thôn Tiền và thôn Miễu như ta thấy trên ảnh chụp vệ tinh), các cuộc tuần du có phò mã Đào Cam Mộc hầu giá, coi như chuyến khảo sát cuối cùng cho công cuộc dời đô.
Thấy đất Vũ Bị thế đẹp, dân làng thuần hậu phò mã xin vua nhận đất để sau này đưa công chúa về ở. Tại đây, vợ chồng ông khuyên dân tương thân cư xử, tương trợ cấy cày xây thuần phong mỹ tục. Công chúa An Quốc xuất tiền riêng mở mang ruộng đất, xin vua dựng bia thế nghiệp, đến nay phủ Vũ Bị còn giữ hai tấm đá cổ, các nhà chuyên môn gọi là Thạch Kiệt, hiểu chung là mốc ruộng đất “Sắc cấp tứ” nhà vua cấp cho người có công. Thạch Kiệt được dựng vào năm Hồng Thuận thứ 5, ngày 25-2 năm 1513, ghi chép trên 140 mẫu ruộng ở các xứ trong vùng, xa nhất là đồng Ba, thuộc xã Đồn Xá, huyện Bình Lục. Các di tích thờ vợ chồng Đào Cam Mộc đều có miếu nguy nga (mình có cơ may hồi bé dòm ngó. Sau này trường cấp IIIB Bình Lục chuyển về (1973) “nương nhờ cửa phủ”, phủ đã tan nát nhiều, tuy vậy mình vẫn có cơ hội ngó nghiêng mà chẳng biết mô tê gì). Các vua nhà Nguyễn đã ban tới 10 đạo sắc phong, các nhà khoa bảng đề thơ ca tụng... nghe nói ngày xưa hằng năm dân làng Vũ Bị thường xuyên mở hội.
Thái sư Á vương Đào Cam Mộc mất năm 1015 tại chùa Tề Thánh, ấp Mã Chiên, huyện Thái Bình (các nhà nghiên cứu cho rằng, đấy là đất phủ Quốc Oai, Hà Nội ngày nay, mình đọc được thông tin chi tiết về chuyện này), hưởng thọ 73 tuổi, còn công chúa An Quốc mất vào năm sau (1016) tại Vũ Bị. Khu này khi mình học cấp III thấy có rất nhiều miếu mà chẳng biết thờ những ai. Bây giờ cũng tịt mít luôn.

Theo tư liệu từ Nhân dân 27/10/2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét