Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013

"Chiếc thuyền ngoài xa"- vài nhược điểm đáng kể



TIỂU LUẬN 2. BÀN VỀ “CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA” TRUYỆN NGẮN NGUYỄN MINH CHÂU

Lấy từ Giangnamlangtu về để học hỏi! 
 Giang Nam 
 Đến nay nhìn lại, những tác phẩm Nguyễn Minh Châu viết trước năm 1975 chẳng còn giá tri dược bao nhiêu, chỉ còn truyện ngắn “Mảnh trăng cuối rừng” có giá trị khá vững bền. Thực chất ông nổi tiếng đến nay là từ truyện ngắn “Bức tranh” mở đầu cuộc Đổi Mới ngoạn mục của văn học đương đại và sau đó tập truyện “Bến quê”, “Khách ở quê ra”…Tức là chủ yếu giai đoạn hai ông mới đem lại cho  văn chương những đỉnh cao. Nhà soạn sách chưa dám mạnh dạn ghi nhận như vậy.
 Sơ lược truyện “Chiếc thuyền ngoài xa”
 Phóng viên Phùng đi chụp ảnh làm lịch ở vùng duyên hải miền Trung, gặp lại bạn đồng đội cũ tên Đẩu làm chánh án huyện. Phùng lại làm quen em bé Phác con của hai vợ chồng thuyền chài. Sau khi chụp được bức ảnh “Chiếc thuyền ngoài xa” rất đắc ý, cảm hứng ngây ngất trước “một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích”, “trái tim như có cái gì bóp thắt”, “khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Sau đó, anh Phùng chứng kiến cảnh “chiếc thuyền vào bờ” và người chồng đánh đập vợ dẵ man. Lần thứ hai anh lại phải chứng kiến cảnh đó và dũng cảm ra tay nghĩa hiệp. Anh được bạn kể chuyện gia đình thuyền chài đau khổ như thế nào và chứng kiến cuộc tâm sự của nữ nạn nhân. Mặc dù thất vọng về bức ảnh của mình, anh vẫn phải về nộp ảnh cho cơ quan và bộ lịch treo vẫn hoàn thành.
Truyện ngắn mang rõ tính chất “tuyên ngôn nghệ thuật”. Đó là tuyên ngôn “Văn học cần phải miêu tả hiện thực nghiêm nhặt, phải miêu tả được bi kịch của người dân lao động hơn là miêu tả cái bề ngoài lãng mạn, đẹp mắt”. Tuyên ngôn thật giản dị. Nhưng tuyên ngôn này rất cũ bởi nhà văn Nam Cao đã hoàn thành từ trước đó nửa thế kỷ với các thiên truyện nổi tiếng “Đời thừa”, “Trăng sáng”. Nghệ thuật của một dần tộc, của nhân loại như những dòng chảy bất tận không lặp lại. Nếu viết về một chủ đề cũ thì nhà văn đi sau phải khác lạ hoặc cao hơn. Xem ra tác phẩm tuyên ngôn của Nguyễn Minh Châu chưa thể sánh bằng Nam Cao về mặt nghệ thuật. Chẳng những thế, Nguyễn Minh Châu còn mắc thiếu sót lớn về mỹ học khi ông coi rẻ nghệ thuật nhiếp ảnh và lúng túng, thiếu nhất quán, tự mâu thuẫn.trong xây dựng nhân vật
 1. Nhà văn đã so sánh khiên cưỡng nghệ thuật nhiếp ảnh và nghệ thuật văn chương.
  Bức ảnh “Chiếc thuyền ngoài xa” có giá trị riêng, trọn vẹn của thể loại nhiếp ảnh. Phong cảnh sương sớm và chiếc thuyền đang vào bờ “trước mắt tôi là một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ…,một vẻ đẹp thực đơn giản dị và toàn bích…,cái chân lý của sự toàn thiện…cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”.Quá đủ cho một bức ảnh phong cảnh mang tên “Thuyền về trong sương sớm”, hay là “Biển sớm” (tôi giả dụ phóng viên Phùng đặt tên cho bức ảnh như thế) và sẽ in vao tấm lịch tháng treo ngày Tết.
Nghệ thuật nhiếp ảnh là nghệ thuật chộp được cái khoảnh khắc ưng ý nhất, may mắn thì bắt gặp, nếu không thì nghệ sĩ phải công phu dàn dựng. Phùng gặp may là anh chộp được bức ảnh ưng ý, phù hợp ý tưởng nghệ thuật của mình. Đó là khoảnh khắc có ý nghiã của cuộc sống dù chỉ là một lát cắt ngang. Nhưng đó cũng là sự hạn chế của nhiếp ảnh do nó không thể hiện được sự vận động của đời sống theo thời gian. Chỉ có văn chương mới có khả năng to lớn ấy.
  Nhà văn đòi ống kính nhiếp ảnh phải miêu tả cả “chiếc thuyền ở gần” với cảnh chồng bạo hành vợ của vợ chồng ngư dân ? Cảnh “ở gần” ấy, tức là cuộc sống hiện thực của nhân vật ngư dân sẽ do văn chương đảm trách với khả năng miêu tả đặc biệt  rộng rãi đầy đủ của nó, không bị thời gian và không gian cản trở.
 Đó cũng là khi cảm xúc thực sự của anh bộc lộ khiến anh “bấm hết nửa cuốn phim”. Không thể tin rằng anh Phùng phóng viên chuyên nghiệp đã trải qua cảm xúc giả tạo khi chụp hình.
 Đoạn kết cho biết: tập ảnh vẫn được duyệt và in thành lịch treo. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng đã phát hiện những vẻ đẹp lao động của ngư dân lồng trong phong cảnh biển khơi nên thơ trong sương sớm. Anh đã hoàn thành nhiệm vụ. Thể tài ảnh lịch miêu tả như thế là đúng đắn. Thực khiên cưỡng khi nhà văn đòi hỏi ảnh lịch Tết xuân phải đưa cảnh “chồng bạo hành vợ” vô đây (?!). Ngày xưa nhà văn Nam Cao đã so sánh dòng văn học hiện thực phê phán với dòng văn học lãng mạn giai đoạn 1930-1945 một cách hợp lý hơn nhiều.
 2. Vấn đề xây dựng nhân vật
 Nhà văn miêu tả người đàn bà thay đổi thái độ (từ sợ sệt khúm nùm sang sắc sảo, với điệu bộ khác ngôn ngữ khác) khi gặp Đẩu và Phùng. Sao vậy? Nhà văn không lý giải được điều đó.
 Đây là đoạn văn giải thích cái khổ của người đàn bà. Đoạn văn này giữ vai trò quan trọng mở nút cho sự khó hiểu của phóng viên Phùng và Đẩu chánh án tòa huyện:
  “Giá tôi đẻ ít đi, hoặc chúng tôi sắm được chiếc thuyền rộng hơn, từ ngày cách mạng về đã đỡ khổ chứ trước kia vào các vụ bắc, ông trời làm động biển suốt hàng tháng, cả nhà vợ chồng con cái toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối”.
 Ta hiểu rằng câu nói lộn xộn, lủng củng trên là của nhà văn chứ không phải của người đàn bà. Bởi vì nhà văn nói rằng chị ta nói rất tỉnh táo: “người đàn bà bỗng chép miệng, con mắt như đang nhìn suốt cả đời mình”.
 Câu văn quá dài nêu ra ba nguyên nhân nỗi khổ: đẻ nhiều, chiếc thuyền hẹp, ông trời làm động biển, và một cái sướng: “từ ngày cách mạng về đã đỡ khổ”.
 Đoạn này luộm thuộm kỳ lạ “…từ ngày cách mạng về đã đỡ khổ chứ trước kia vào các vụ bắc, ông trời làm động biển suốt hàng tháng…”. Theo logic câu, “Cách mạng về” làm thay đổi cả “ông trời”, khiến “ông trời” không dám “động biển” nữa ư ? Nhà văn cố ý ca ngợi “cách mạng” cho vững lập trường mà viết chưa trọn câu, lúng túng quá, nói cho qua chuyện thì thôi.
Người đàn bà suy ngẫm rồi kết luận“Nhưng cái lỗi chính là đám đàn  bà ở thuyền đẻ nhiều quá, mà thuyền lại chật”.
 Người đàn bà này mang ơn nặng nghĩa dày của anh đánh cá  nghèo chiụ cưới người con gái xấu (Truyện ngắn “Đời thừa”: chị Từ cũng dược văn sĩ Hộ cứu vớt cuộc đời lỡ dở nên hàm ơn Hộ suốt đời). Chị vợ đánh cá cũng khen chồng vốn là một “anh con trai cục tính nhưng hiền lành lắm, không bao giờ đánh đập tôi”…(Văn sĩ Hộ cũng vậy, chỉ khi viết văn bế tắc, uống rượu say mới chửi vợ…).. Ngay cả tình tiết này Nguyễn Minh Châu cũng chịu ảnh hưởng Nam Cao nhưng chưa nhuần nhuyễn bằng. Nhân vật Từ nhẫn nhịn  chịu đựng những con say của văn sĩ Hộ vì tình nghĩa. Chị vợ anh đánh cá chịu nhịn nhục vì trên thuyền cần người đàn ông, nghĩa là chị thực dụng hơn, không nhịn nhục vì ân nghĩa ngày xưa.
 Hóa ra, toàn bộ cái khổ chủ yếu do hai vợ chồng nhà chài không biết  đến “kế hoạch hóa gia đình”, là dân trí thấp, hay là do nhà nước chưa biết quản lý dân số bằng “kế hoạch hóa”. Chủ đề tư tưởng của truyện ngắn hóa ra nhẹ hều, xem như một tác phẩm cổ võ cho chính sách “kế hoạch hóa gia đình” vậy thôi.
 Chưa hết, nhà văn khi tả cảnh không phải vô tình bốn lần nhắc đến cái xe tăng hỏng bánh xích và xe rà mìn của công binh Mỹ, những dấu hiệu chỉ ra rằng đây là vùng đất miền Nam dưới chế độ Mỹ ngụy. Lại thêm anh hàng chài “túng quẫn đi vì trốn lính”, anh ta cũng như một cái “xe tăng hỏng” nữa. Tóm lại, theo nàh văn, câu chuyện gia đình bi đát là hậu quả ở miền Nam trong chiến tranh ư (?) Tiếc thay, nhà văn qua đời năm 1988 vì bệnh hiểm nghèo, nếu ông còn sống đến nay  (đầu thế kỷ 21) ắt sẽ được biết nhiều cảnh bạo hành gia đình rải rác khắp cả nước, báo chí đăng tải hà rầm, chắc ông sẽ viết truyện ngắn khác…
Văn học hiện thực chính là miêu tả và lý giải được hiện thực. Nhà văn đã tự mâu thuẫn, lúng túng với thể loại văn chương vốn có khả năng miêu tả và lý giải ưu thế hơn mọi loại hình nghệ thuật khác. Huống chi nhiếp ảnh lại bị nhà văn  khinh rẻ oan khuất.
 Hai nhân vật Phùng và Đẩu là những chiến binh bước ra khỏi cuộc chiến tranh, các anh nhận thấy phải tiến hành những cuộc đấu tranh mới. Đây là tia sáng yếu ớt mang lại một chút giá trị cho truyện ngắn nhiều thiếu sót này.
 Tôi dự đoán, các bạn đồng nghiệp dạy trung học phổ thông khó tránh khỏi băn khoăn lúng túng khi hướng dẫn HS chiếm lĩnh tác phẩm phức tạp và mâu thuẫn này.
 Trên đây chỉ là vài ý kiến phác thảo, mong bạn đọc cùng góp bàn cho rõ vấn đề hơn.
 GN
Chú thích: Bài viết căn cứ trên sách giáo khoa Ngữ văn 12, tập Hai, nâng cao, Nhà xuất bản GD, năm 2008, trang 89

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét